Thông tin kinh tế. Thông tin kinh tế.
Chị Dương Thị Thanh Trúc – Một điển hình khởi nghiệp thành công trong sản xuất, kinh doanh của Hội LHPN Phường 1
09:17 | 26/02/2020 Print   E-mail    

Chị Dương Thị Thanh Trúc, hội viên Chi hội phụ nữ Khu phố 6, Phường 1, tấm gương cho nỗ lực vượt khó vươn lên thành công trong khởi nghiệp sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Sinh năm 1968 và lớn lên tại thành phố Vũng Tàu. Đến năm 1991 chị xây dựng gia đình cư ngụ tại số nhà 82 Lý Thường Kiệt thuộc khu phố 6 Phường 1. Mới đầu sống tự lập anh chị gặp rất nhiều khó khăn, công ăn việc làm còn bỡ ngỡ, chưa quen với việc sản suất, kinh doanh. Những năm gần đây, do sống trong cạnh tranh của cơ chế thị trường nên việc sản xuất, kinh doanh càng ngày càng gặp khó khăn hơn. Không cam chịu thất bại, với bản tính cần cù, chịu khó và quyết tâm, chị luôn trăn trở để tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho con cái ăn học. Chị nung nấu ý tưởng muốn mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh áo dài từ một cửa hàng.

Năm 2017, Hội LHPN Phường 1 đã kiện toàn CLB Nữ tiểu thương với 28 hội viên tham gia, chủ yếu là những chi em buôn bán, sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chị là người đầu tiên hăng hái tham gia. Nắm được ý tưởng muốn mở rộng sản suất kinh doanh của chị, để giúp chị thực hiện ý tưởng đó, Hội LHPN Phường 1 và Chi hội phụ nữ khu phố 6 đã đứng ra thông qua tổ Vay vốn &Tiết kiệm, Hội phụ nữ đã nhận tín chấp hỗ trợ cho chị được vay vốn của ngân hàng CSXH hàng năm với số tiền là 40 triệu đồng, cộng với nhóm phụ nữ tiết kiệm xoay vòng không lãi cũng đã hỗ trợ thêm cho chị (13 triệu đồng). Với số vốn đó, cộng với tinh thần chủ động cố gắng khắc phục khó khăn của chị, chị đã thực hiện được ý tưởng mở rộng quy mô sản suất, tăng thêm mặt hàng. Ngoài việc may đo áo dài, cơ sở của chị còn mở bán thêm một số mặt hàng khác. Hiện nay cơ sở may đo áo dài của chị đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 05 chị em phụ nữ trong địa phương. Doanh thu của cửa hiệu cũng không ngừng được tăng lên, thu nhập của cơ sở trừ chi phí ra được lãi hàng tháng từ 20 đến 30 triệu đồng.

 

Chị Dương Thị Thanh Trúc đang làm việc tại tiệm may khởi nghiệp của chị

Thời gian đầu mở tiệm, anh chị gặp nhiều khó khăn như: Vốn ít, khách hàng chưa nhiều, dẫn đến khó khăn trong việc thu nhập. Mặt khác, bản thân chị còn thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng trong nghề, mối quan hệ với các khách hàng còn ít, nhất là những khách hàng quen biết, tiềm năng chưa có. Việc tiếp cận các nguồn thông tin liên quan đến thị trường của ngành may như các mặt hàng, kiểu dáng, mẫu mã,...còn hạn chế. Biết được những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của chị, Hội LHPN Phường 1 đã quan tâm, giới thiệu vận động cán bộ, hội viên phụ nữ ủng hộ đến tiệm may của chị để đặt hàng nên đã thu hút được lượng khách ngày càng đông. Hội còn quan tâm hỗ trợ cho chị về kiến thức, mời chị tham gia các lớp tập huấn về khởi khởi nghiệp do Hội tổ chức. Qua các buổi tập huấn chị đã tìm đến những người bạn, những anh chị em đã khởi nghiệp thành công để học hỏi những kinh nghiệm từ họ. Ngoài ra,  chị còn đọc nhiều loại sách về khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh để trau dồi thêm các kỹ năng cho bản thân.

Để đáp lại sự quan tâm giúp đỡ của Hội phụ nữ, chị càng tích cực tham gia các phong trào hoạt động của Hội. Các buổi dọn vệ sinh, làm sạch môi trường trong địa bàn hay trên các tuyến đường “Phụ nữ tự quản” xanh – sạch – đẹp, phong trào xây dựng gia đình “5 không 3 sạch” hay phong trào “Nhắn tin ủng hộ phụ nữ Biên cương”, là một trong những thành viên của Tổ phụ nữ Thiện nguyện, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện do Phường hội phát động… chị đều tham gia đầy đủ.

Ngoài ra, từ những kinh nghiệm thành công trong khởi nghiệp của bản thân, mỗi lần có dịp tiếp xúc với chị em khác, chị đều vui vẻ, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm. Để một người khởi nghiệp thành công đã rất khó, song với một người phụ nữ việc đó lại càng khó hơn rất nhiều, bởi trong sản xuất, kinh doanh khởi nghiệp không hề đơn giản, cũng không phải chỉ thích là có thể làm được, mà nó là tổng hợp rất nhiều yếu tố: Từ ý tưởng khởi nghiệp, phương pháp thực hiện, nguồn lực về con người và tài chính… Để kết hợp được các yếu tố đó, đòi hỏi mỗi người phải có kiến thức thực tiễn, chuyên môn, kỹ năng và đặc biệt đó là sự mạnh dạn, đam mê, ham học hỏi và với một quyết tâm, nghị lực vượt khó vươn lên./.

Bài, ảnh: Nguyên Nguyễn, BBT