Tin du lịch Tin du lịch
Làng nổi Kampong Ayer và việc bảo tồn văn hóa truyền thống của Brunei
08:36 | 31/01/2020 Print   E-mail    

Khi đặt chân đến đất nước Brunei, trong hành trình du lịch ngoài việc được đưa đến các Thánh đường Hồi giáo đồ sộ, nguy nga thì khách du lịch cũng sẽ được đưa đến làng nổi Kampong Ayer, mà nhiều nơi của Việt Nam chúng ta gọi là nhà cao cẳng bên kia bờ sông trong Thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, đây được coi là di sản để bảo tồn văn hóa truyền thống lịch sử của đất nước Brunei.

Bảo tàng Quốc vương Brunei

Theo giới thiệu của hướng dẫn viên: Kampong Ayer đã xuất hiện hiện hơn 1.300 năm, là niềm tự hào của người dân Brunei, thể hiện rõ nhất nền văn hóa sông nước của người dân Brunei, trong thời kỳ phát triển cường thịnh nhất thế kỷ 15-16, Kampong Ayer là trung tâm hành chính, kinh đô của Đế chế Brunei, nơi Quốc Vương đầu tiên Brunei đến lưu trú và là một cảng quan trọng trong khu vực.

Kampong Ayer là làng nổi lớn nhất trên thế giới, với khoảng 30 nghìn cư dân sinh sống trong hơn 40 làng, mỗi làng có cổng, cầu tàu để ghe tàu cập bến, người dân lên xuống được ghi là JETI cùng với số thứ tự. Các ngôi nhà ở Kampong Ayer có sự gắn kết, nối liền với nhau bằng hệ thống đường bộ làm bằng gỗ do nhà nước đầu tư hoàn toàn. Nhà của làng Kampong Ayer được xây dựng nằm trải dài trên sông Brunei, các ngôi nhà đặt trên những trụ gỗ, trụ bê tông cách mặt nước từ 2-3m, nhà bằng gỗ và có cả gạch nung, cimen, các ngôi nhà bị giới hạn về diện tích, nhưng rất chắc chắn và tiện dụng, chúng đều được xây dựng theo kiểu truyền thống độc đáo, tường được chạm hoa văn, sàn trải thảm, phía trước có khoảng sân rộng để trồng hoa, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong các lồng bên cạnh ngôi nhà. Tiếp đoàn chúng tôi là 1 nhà của người dân mà công ty du lịch Brunei đã liên kết để giới thiệu cho du khách, chúng tôi được tiếp đón lịch sự, trong nhà bố trí bàn ghế, tranh ảnh giới thiệu về Quốc Vương và Hồi Giáo. Nhà được bố trí rất gọn gàng, sạch sẽ, chủ nhà mời khách 03 loại bánh truyền thống của làng, nguyên liệu làm các loại bánh này từ gạo nếp, đường, trứng gần giống với các loại bánh của người miền Trung nước ta.

Làng nổi Kampong Ayer bên bờ sông Brunei

Làng được cung cấp đầy đủ với cơ sở hạ tầng từ điện, nước sạch, trường học, trạm y tế và cả Thánh đường để người dân thực hành tôn giáo. Được biết tại Brunei người dân đi học và khám chữa bệnh không mất tiền mà do nhà nước hoàn toàn trả chi phí. Khi quan sát dòng sông Brunei nơi tồn tại ngôi làng nước đục, nhiều phù sa, nhưng chúng tôi không thấy rác thải, chứng tỏ ý thức của người dân khá cao. Khi được hỏi các công trình vệ sinh sẽ thải đi đâu? Cô Chong Wanlee, hướng dẫn viên cho biết người dân có hệ thống chứa và có thu gom và sẽ được thu gom đi xử lý định kỳ. Thời điểm chúng tôi đến tham quan tại làng nổi Kampong Ayer có 2 JETI số 10 và 11 vừa bị cháy rụi không còn người ở, tuy nhiên qua tìm hiểu thì nhà nước bảo hộ cho họ chổ ở tạm thời và sẽ tạo điều kiện để người dân trở lại làng nổi trong thời gian tới.

Hệ thống đường gỗ trong làng nổi Kampong Ayer

Đến thăm bảo tàng Quốc vương Brunei mới thấy việc giữ gìn làng nổi Kampong Ayer là việc bảo tồn văn hóa lịch sử truyền thống của đất nước Brunei. Quốc vương Hassanal Bolkial đương nhiệm là Quốc vương thứ 29 trong gia phả trong dòng tộc Quốc vương Brunei, bảo tàng đã giới thiệu lịch sử hình thành Brunei và cuộc đời sự nghiệp của Quốc vương Hassanal Bolkial, công tác đối nội, đối ngoại của đất nước Brunei, trong đó có nhiều hiện vật do lãnh đạo nước ta trao tặng trong công tác ngoại giao được trưng bày tại đây./.

Bài, ảnh: Trần Việt, BBT