Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Khi nhạc phổ thơ.
11:12 | 14/06/2014 Print   E-mail    

 

KHI NHẠC PHỔ THƠ
-----
 
 Âm nhạc đã dắt lời thơ đi vào lòng người và ở lại đó, lay động xao xuyến. Có nhiều bài thơ của các nhà thơ Bà Rịa – Vũng Tàu trở nên nổi tiếng sau khi được các nhạc sĩ phổ nhạc.
 
Các nghệ sĩ vẫn thường ví “Trong vườn hoa nghệ thuật âm nhạc, một bài thơ có thể được nhiều người phổ nhạc nhưng sẽ chỉ có duy nhất một bài hay như đoá hoa chỉ nở một lần”. Trong số những ca khúc phổ thơ thành công có thể kể đến “Khúc hát sông quê”. Bài hát được Nguyễn Trọng Tạo phổ từ thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu, Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngay sau khi phổ thơ, “Khúc hát sông quê” đã nhanh chóng đi vào lòng người, nhẹ nhàng như hơi thở, hiền hoà như khúc hát sông quê. Tại một buổi giao lưu gần đây, nhà thơ Lê Huy Mậu đã kể lại rằng, năm 2002, Nguyễn Trọng Tạo đến Vũng Tàu dự trại sáng tác âm nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam, anh đã gửi cho Nguyễn Trọng Tạo một chương trong trường ca “Thời gian khắc khoải” để in báo Thơ. Vì Nguyễn Trọng Tạo lúc này đang làm báo Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Và rồi sự đồng cảm của hai tâm hồn xứ Nghệ tha hương đã làm nên “Khúc hát sông quê” tuyệt vời. Sau đó, bài hát được ca sĩ Anh Thơ thể hiện và phát trên sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Gần 6 năm, “Khúc hát sông quê” đã trở nên quen thuộc với mọi người nhưng mỗi lần kể “đứa con tinh thần” ấy nhà thơ Lê Huy Mậu vẫn thường nói: “Nhờ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc mà thơ Lê Huy Mậu có nhiều người biết đến”. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo thì bảo rằng: “Lê Huy Mậu khiêm tốn. Không có bột làm sao gột nên hồ”. Nhưng hơn hết, những người nghe thì hiểu rằng đó chính là giai điệu tâm hồn dân tộc mà Nguyễn Trọng Tạo - Lê Huy Mậu đã nhen lên từ nhịp đập của trái tim tha hương xứ Nghệ.
 
Ca sĩ Anh Thơ với tác phẩm âm nhạc “Khúc hát sông quê”
 
Quỳnh Hợp được biết đến là một nhạc sĩ có nhiều ca khúc phổ thơ. Mỗi album của chị là một chủ đề riêng biệt được dàn trải trên nền âm hưởng thấm đẫm chất dân gian của nhiều vùng miền khác nhau với tiết tấu trẻ trung, đương đại và ca từ đẹp bước ra từ những bài thơ. Ý thơ nồng nàn tâm trạng đã tạo cho âm nhạc của Quỳnh Hợp nhiều dáng dấp, nhiều sắc thái khác nhau. Điều đặc biệt là những bài thơ ấy đã được chị chuyển hóa thành những ca khúc trọn vẹn, đầy sắc màu âm thanh và rộn ràng tiết tấu trẻ trung, trong sáng. Câu chuyện “Đưa em về với Vũng Tàu” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ thơ cố nhà báo Lưu Trọng Phú cũng được chuyển hoá trọn vẹn như vậy từ bài thơ cùng tên của ông. Cảm nhận được thơ của nhà báo Lưu Trọng Phú giàu nhạc điệu, dễ phổ nhạc nên ca khúc “Đưa em về với Vũng Tàu” nhanh chóng ra mắt những người yêu thơ, yêu nhạc. Sau đó, “Đưa em về với Vũng Tàu” đạt Giải nhì Cuộc thi sáng tác ca khúc chào mừng 25 năm thành lập Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro hồi tháng 6-2006. Tại Khai hội Văn hoá – Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2009, người ta lại nghe thơ Lưu Trọng Phú, nhạc Quỳnh Hợp vang lên trên sân khấu chuyên nghiệp với giọng ca của ca sĩ Triệu Lộc (TP. Hồ Chí Minh) như một lời mời thân thiện “Đưa em về với Vũng Tàu”. Như có duyên với Lưu Trọng Phú, sau ca khúc “Đưa em về với Vũng Tàu”, nhạc sĩ Quỳnh Hợp có nhiều ca khúc nữa được phổ thơ của anh. Và album “Xí muội… ơi” (cũng lấy tựa đề từ một bài thơ của Lưu Trọng Phú) được bình chọn là Album được yêu thích nhất chương trình Sắc màu âm nhạc tháng 8-2006 - Chương trình do Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh HTV phối hợp với công ty Cát Tiên Sa thực hiện.
Bài hát “Còn mãi tuổi 15”  của nhạc sĩ Trọng Vĩnh – phổ thơ Lê Thiên Minh Khoa đạt giải nhất tại cuộc thi sáng tác ca khúc tỉnh cũng là một ca khúc nhẹ nhàng, từng làm nức lòng những người yêu thơ, yêu nhạc. “Ý thơ trong bài Trước mồ một nữ liệt sĩ trẻ của nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa đã ấp ủ trong lòng tôi từ lâu lắm. Tôi nghĩ, đã có rất nhiều ca khúc viết về nữ anh hùng Võ Thị Sáu nhưng tôi muốn viết một ca khúc hình tượng cũ nhưng ý tứ mới, ca từ mới. Trăn trở nhiều rồi nhưng lời ca chưa thoát thai. Khi bắt được mạch cảm xúc trong thơ Lê Thiên Minh Khoa tôi viết một chập. 15 phút sau thì hoàn thành mạch cảm xúc”, nhạc sĩ Trọng Vĩnh kể lại. Nhạc sĩ Trọng Vĩnh tâm sự rằng, để có ca khúc phổ nhạc hay trước tiên người phổ nhạc phải yêu bài thơ và thuộc nó để có thể thả hồn theo ý thơ, để có thể ghi lại và diễn tả những tình cảm luyến láy, dìu dặt, nức nở, buồn vui qua nét nhạc giúp hồn thơ thăng hoa. Đó là lúc hồn thơ nhập vào, nốt nhạc chấp cánh bay cao. Từ những bài thơ được phổ nhạc, có thể nói Lê Thiên Minh Khoa cũng là một nhà thơ có duyên với các nhạc sĩ. Nhiều nhạc sĩ đã phổ thơ anh và có nhiều bài để lại những dấu ấn đẹp như: Đà Lạt tím, Phố núi, Và em, Lặng lẽ tôi… Lê Thiên Minh Khoa tâm sự: “Tôi chơi thân với nhiều nhạc sĩ: Hoàng Lương, Trọng Vĩnh, Bùi Thanh Hoá, Trần Tích… và có dịp bù khú với nhau, đọc thơ cho nhau nghe, đồng cảm với thơ và đồng cảm với nhạc. Muốn có kỷ niệm với nhau hoặc bắt được cái thần gì đó nên họ đã phổ thơ tôi”. Theo nhà thơ Lê Thiên Minh Khoa thì ngôn ngữ thơ có hai mặt: ngữ nghĩa và tính nhạc. Trong đó, theo tôi thanh và nhịp (tiết tấu) là hai yếu tố quan trọng nhất. Bài thơ có thể không vần, không cần có sự hài âm nhưng không thể thiếu yếu tố hài thanh và tiết tấu. Ngoài ra, còn phải kể thêm nhạc điệu nội tại của bài thơ toát ra từ tình, tứ của bài thơ. Nói theo lý luận mỹ học cổ điển thì “thi trung hữu nhạc”, trong thơ có nhạc, nhạc và thơ thân thiết với nhau. Ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc, và hội họa. Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt, nhưng rất khăng khít nhau. Nếu như thơ là nghệ thuật của lời thì nhạc là nghệ thuật của âm thanh. Nếu nhạc sĩ bắt được cái tính nhạc trong thơ, cứ thử tưởng tượng thơ ẩn trong phiến lá, nếu ta đem đốt chiếc lá, tiếng reo trong lá là tính nhạc. Và khi chiếc lá cháy hết, chỉ còn những sợi khói bồng bềnh. Cái mong manh đó chính là cõi thơ. Và mùi hương phảng phất, vị lá phải chăng là hồn thơ. 
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.