An ninh quốc phòng An ninh quốc phòng
Bảo vệ đại dương xanh
03:51 | 07/06/2014 Print   E-mail    

 

HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ BIỂN VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM (TỪ NGÀY 1 ĐẾN NGÀY 8-6):
Bảo vệ đại dương xanh
---------
 
Năm 2014 là năm thứ 6 liên tiếp Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tổ chức sự kiện Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam nhằm hưởng ứng ngày Đại dương thế giới (ngày 8-6). Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm nay có chủ đề “Chung tay bảo vệ đại dương xanh” nhằm khơi dậy ý thức về bảo vệ môi trường biển theo hướng bền vững và trách nhiệm của các tầng lớp xã hội đối với vùng biển của Tổ quốc.
 
 

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014 do Bộ TNMT tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nâng cao trách nhiệm của xã hội trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển, đảo; Đề cao ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển trong cộng đồng người Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế của đất nước là một quốc gia mạnh về biển… Tại BR-VT, ngoài các hoạt động tuyên truyền, cổ động tại các huyện, thành phố, trong ngày hai ngày 8 và 9-6 tại huyện Côn Đảo, Tạp chí TNMT (Bộ TNMT) phối hợp Sở TNMT, Sở VHTTDL và UBND huyện Côn Đảo tổ chức chương trình “Nghĩa tình Côn Đảo” với nhiều hoạt động: thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, biểu diễn nghệ thuật tuyên truyền về biển đảo, viếng nghĩa trang Hàng Dương…

Với hơn 3.260km bờ biển, 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 1 triệu km2, Việt Nam có hơn 100 cảng biển, 48 vịnh và 112 cửa sông, lạch đổ ra biển. Vùng biển Việt Nam có triển vọng khai thác dầu khí, trữ lượng dầu tại thềm lục địa phía Nam chiếm khoảng 25% trữ lượng dầu dưới đáy biển Đông. Vùng ven biển có 370 ngàn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Sản lượng khai thác hải sản đạt khoảng 2,4 triệu tấn/năm, nuôi trồng đạt 2,8 triệu tấn/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt gần 5 tỷ USD/năm. Dọc theo bờ biển có khoảng 100 địa điểm có thể xây dựng hải cảng, nhiều nơi có thể xây dựng cảng nước sâu; có 125 bãi biển đẹp, có khả năng sử dụng làm bãi tắm… Bên cạnh đó, biển đảo Việt Nam còn có vị trí và vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử của đất nước. Nhiều năm qua, các nguồn lợi từ biển đã đóng góp to lớn vào quá trình phát triển đất nước. Hiện nay, các ngành kinh tế biển và liên quan đến biển đóng góp khoảng 47-48% GDP cả nước. Trong đó, các ngành kinh tế biển như khai thác dầu khí, hải sản, vận tải biển và dịch vụ cảng biển, du lịch biển… đóng góp khoảng 20-22% GDP cả nước. Theo đó, mục tiêu và tầm nhìn của “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển gắn với khoa học công nghệ hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP, 55-60 kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. BR-VT là một trong những địa phương ven biển, có chiều dài bờ biển là 305,4km với nền kinh tế biển mạnh, nhiều ngành như: Khai thác dầu khí, khai thác, chế biến hải sản, du lịch biển - đảo, công nghiệp ven biển. Ông Lê Văn Sâm, Giám đốc Sở TNMT tỉnh cho biết, BR-VT cũng là địa phương có lợi thế về cảng nước sâu và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú; là cửa ngõ ra biển của khu vực Đông Nam bộ và là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư… Vì vậy, hơn bất cứ địa phương nào, người dân BR-VT càng phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển theo hướng bền vững. Đây chính là chìa khóa để phát huy được lợi thế, tiềm năng về biển - đảo để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo định hướng xây dựng thương hiệu đô thị cảng biển của BR-VT đến năm 2020, BR-VT sẽ trở thành một tỉnh công nghiệp và cảng biển theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, BR-VT đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng lựa chọn công nghệ hiện đại; Sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, đất đai và thân thiện với môi trường; Xây dựng phát triển trung tâm dịch vụ logistics, đồng thời phát triển mạnh hệ thống cảng tại các khu vực Cái Mép – Thị Vải, Vũng Tàu, Côn Đảo… Bên cạnh đó, địa phương cũng có chiến lược đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, với các loại hình du lịch biển đa dạng, phong phú dọc các khu vực ven biển: Vũng Tàu, Long Hải, Bình Châu và Côn Đảo; Huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nối liền các cảng nước sâu, kết nối giao thông đường bộ, đường biển giữa BR-VT và các tỉnh trong vùng trọng điểm phía Nam; Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh của tỉnh; Phát triển Côn Đảo trở thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao tầm cỡ quốc gia và quốc tế, điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước…
  
 Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.