An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Vai trò của phụ nữ trong bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
08:07 | 01/06/2017 Print   E-mail    

Qua thực tế triển khai thực hiện “Tháng hành động vì trẻ em” và kỷ niệm ngày “Quốc tế Thiếu nhi” (01/6), chúng ta càng thấy rõ vai trò của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong đó có vai trò vô cùng quan trọng của chị em Phụ nữ.

Như chúng ta đã biết trẻ em là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước, đặt niềm tin và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của trẻ em là những người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, như nguyện vọng của Bác: “Bác mong các cháu chăm ngoan. Mai sau gìn giữ giang san Lạc Hồng”. Trong Di chúc thiêng liêng trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Qua các bài nói, bài viết và bằng những việc làm cụ thể, Người đã đặt nền tảng tư tưởng và nêu tấm gương sáng về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Từ thực tế của cách mạng Việt Nam cho thấy, các thế hệ thiếu niên, nhi đồng trước kia đã tham gia cùng dân tộc chống giặc ngoại xâm. Khi đất nước có xâm lăng, nước nhà bị ách cai trị của thực dân thì các em cũng bị bóc lột và phải làm tôi tớ cho chúng. Từ nỗi đau, xót xa ấy, các thế hệ thiếu niên, nhi đồng của chúng ta đã giác ngộ và hành động, trẻ em cả nước đoàn kết lại để đấu tranh, góp một tay cùng toàn dân đánh giặc ngoại xâm cứu nước. Tinh thần ấy đã được xây dựng từ biết bao các thế hệ thanh, thiếu nhi Việt Nam và đó cũng là yếu tố quan trọng quyết định cho sự thắng lợi của cách mạng từ lúc đánh Tây, đuổi Nhật giành nền Độc lập đến chống Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hiện nay sức sống mãnh liệt đó đang được phát huy trong công cuộc Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người. Các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường, gia đình và toàn xã hội luôn quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho trẻ em. Sự quan tâm đó, thể hiện rõ nét nhất vào “Tháng hành động vì trẻ em” và kỷ niệm “Ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6” hằng năm. Đây là cơ hội để cả cộng đồng, toàn xã hội đẩy mạnh, quan tâm hơn đối với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, vì sự phát triển và bình đẳng cho trẻ em. Khuyến khích, vận động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân quan tâm ủng hộ các chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ em và xây dựng các công trình dành cho trẻ em, trong đó vai trò của hội LHPN đã góp phần quan trọng.

Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Tương lai của đất nước có phồn thịnh hay không là nhờ vào thế hệ ấy. Vì vậy, ngày “Quốc tế Thiếu nhi 01/6” nói riêng, “Tháng hành động vì trẻ em” nói chung là thời gian để mỗi gia đình và toàn xã hội nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm mình về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Trong Tháng hành động vì trẻ em hàng năm cần đẩy mạnh hơn nữa các phong trào, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thiết thực, trợ giúp trẻ em: như tổ chức phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ bị tim bẩm sinh; trao học bổng “Nguyễn Thị Định” cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập, tặng quà nhân dịp Lễ, Tết,… Tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong xã hội, tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút các tổ chức nhân đạo, từ thiện, tham gia các hoạt động trợ giúp chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật và hãy “Lắng nghe trẻ em nói”!  

 

Tuy vậy, thời gian qua, xã hội còn phải chứng kiến một số gia đình, tổ chức thiếu trách nhiệm với con trẻ, chưa coi trọng vấn đề bảo vệ trẻ em, không nhận thức được các hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến  thực thi pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu, việc phát hiện, can thiệp sớm các đối tượng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại chưa kịp thời, để lại hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình và xã hội.

Phụ nữ chúng ta là những người chị, người mẹ,… trong gia đình, là những người sinh ra bao thế hệ tương lai cho Đất nước, hơn ai hết chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ cho con em của chúng ta. Để góp sức phấn đấu thực hiện “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, tạo mọi điều kiện để trẻ em có môi trường sống lành mạnh, an toàn, nhằm tạo ra thế hệ tương lai của đất nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới./.

Bài, ảnh: Nguyên Nguyễn, BBT