Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây
11:20 | 13/05/2017 Print   E-mail    

Nét văn hóa đặc sắc của người khmer giữa lòng phố biển:

Kỳ 1: Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

-------------

Khoảng hơn 30 phút đi bộ từ dưới chân núi Lớn thì chúng ta sẽ đến được chùa Nam Sơn tức Wat Giridakkhinasattharama khá nguy nga tráng lệ, tọa lạc tại số 33/18 đường Trần Xuân Độ, ở phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu. Chùa Nam Sơn là một ngôi chùa mang đậm nét văn hóa Khmer giữa lòng phố biển. Có thể nói, đối với người Khmer, chùa chính là nơi để sinh hoạt trong những dịp lễ hội như Chôl Chnăm Thmây, Dolta, Ok om Bok. Và chùa Nam Sơn thành phố Vũng Tàu chính là nơi để đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sinh hoạt trong ngày lễ của dân tộc mình. 

Thượng tọa Quách Thành Sattha, trụ trì chùa Nam Sơn chia sẻ về Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của người Khmer tại thành phố Vũng Tàu. 

Ngôi chùa Khmer này nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh trên đỉnh núi Lớn. Để lên đến chánh điện của ngôi chùa, du khách phải đi qua một con đường với 280 bậc thang bằng đá được sắp xếp ngay thẳng, với một lối đi thoáng rộng, sạch sẽ, dọc hai bên đường là những hàng cây rừng xanh ngát xen lẫn những hàng cây hoa sứ trổ hoa thơm lừng. Điều ấn tượng nhất của con đường này là sự xuất hiện của những trụ hình đầu Tượng Thần bốn mặt được đúc bằng xi măng với khuôn mặt giống hệt vị Thần ở Khu đền Bayon của trung tâm Angkor Thom, Di tích Angkor, Xiêm Riệp, Campuchia. Tổng cộng gần 300 tượng đầu vị thần được gắn dọc trên lối đi lên và xung quanh khu vực Chùa. Khung cảnh hoang sơ, tĩnh mịch khiến cho du khách lần đầu tiên đặt chân đến sẽ cảm nhận được ngay sự huyền bí.

Thượng tọa Quách Thành Sattha, trụ trì chùa Nam Sơn cho biết “Sư về đây từ năm 1996, lúc đó chùa còn đơn sơ và hoang vu lắm. Nhưng nghĩ đến tương lai Sư thấy rằng mình phải làm một điều gì đó nơi đây thành cơ sở, nơi thờ tự trang nghiêm. Từng bước, từng bước một Sư đã phát triển chùa lên, mà trên núi nó có nhiều khó khăn và vất vả lắm. Tuy nhiên giờ đây Chùa cũng tạm ổn một số hạng mục để cho một số Phật tử người Khmer về đây sinh hoạt. Ngoài ra, khi nhìn vô ngôi chùa Việt và ngôi chùa Khemer thì chúng ta sẽ nhận ra ngay sự khác biệt, đến chùa Khmer là chúng ta sẽ nhìn thấy cột cũng có hoa văn, mái hiên cũng có hoa văn, có thần nữ, thần chằn để na nâng đỡ mái chùa lên. Nó rõ ràng không thể nào pha lẫn được với chùa người Việt.  Hiện nay, đồng bào người dân tộc Khmer ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu hiện có khoảng hơn 500 người, sống rải rác ở các huyện và Thành phố Vũng Tàu. Từ khi về đây trụ trì, Sư đã mở nhiều buổi thuyết giảng, và tổ chức tết Chôl Chnăm Thmây, Lễ dâng y Kathina…thu hút nhiều Phật tử, kể từ đó ngôi chùa cũng được nhiều người trong và ngoài tỉnh ghé thăm nhiều hơn nhất là trong các ngày Lễ và Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây”.

Thượng tọa Quách Thành Sattha cũng chia sẻ “Tết Chôl Chnăm Thmây mang ý nghĩa đón mừng năm mới, mừng thêm một tuổi, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt, với hy vọng năm mới đến sẽ đem lại những điều may mắn. Ngoài ra, Tết Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới. Tết Chôl Chnăm Thmây  được diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch, tức tháng 3 âm lịch hàng năm. Theo cách tính của người Khomer thì sau lễ thanh minh của người Hoa 8 ngày thì họ sẽ chính thức đón Tết cổ truyền của dân tộc mình. Ý nghĩa của Tết Chôl Chnăm Thmây từ nghìn xưa do ông bà ta truyền lại và sổ sách cũng có ghi, thì lễ Chôl Chnăm Thmây cứ vào trung tuần tháng tư vào ngày 12,13,14 hàng năm (dương lịch) thì tới ngày lễ Chôl Chnăm Thmây nếu có chênh lệch thì 13,14,15,16 nó nằm trong khoảng đó chứ chưa xê dịch khoảng nào. Còn đón giao thừa, đón chư Thiên năm mới thì có sự thay đổi, như năm vừa rồi đón giao thừa lúc 3h12 phút khuya đó là giờ khắc đón giao thừa”

Tháng 4, lúc này người Khmer ở Nam bộ đã gặt hái xong, bà con thảnh thơi, nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả. Đây là thời điểm giao mùa, là lúc mùa khô vừa dứt và chuyển sang mùa mưa. Những cơn mưa đầu mùa làm cho cây cối xanh tươi, thiên nhiên trỗi dậy một sức sống mới. Trước Tết Chol Chnam Thmay khoảng nửa tháng, đồng bào Khmer tất bật chuẩn bị sửa sang nhà cửa, làm bánh trái, may quần áo mới. Theo Thượng tọa Quách Thành Sattha “Người khomer họ lấy mùa mưa làm chuẩn, tháng nắng là tháng tổ chức lễ Tết. Tháng năm ruộng nương người ta đã làm xong, mưa chưa xuống. Hết lễ Tết xong thì mưa tới, bắt đầu vụ mùa mới. Trong khu vực Đông Nam Á có 4 mùa thì họ lấy tháng 4, nhưng mà miền Nam Việt Nam  chỉ có 2 mùa nên họ lấy mùa nắng tổ chức lễ và mùa mưa làm ruộng”

Một trong những nghi lễ trong lễ Chôl Chnăm Thmây của người Khmer tại Chùa  Nam Sơn.         

Điều dễ nhận thấy là khi có dịp đến những khu vực có đông đồng bào Khmer sinh sống trong những ngày tháng 4, chúng ta sẽ bắt gặp không khí náo nhiệt của bà con chuẩn bị cho Tết cổ truyền của mình. Nào là quần áo gọn gàng, sạch đẹp, nào nhang, đèn, gạo, rượu, thịt được chuẩn bị để phục vụ cho việc ăn uống, đãi khách và dâng cho nhà chùa. Mọi người sửa sang bàn thờ Phật, trang hoàng nhà cửa, quét dọn sân nhà, kết cổng chào… Trong đêm giao thừa, trên bàn thờ có bày sẵn 5 nhánh hoa, 5 đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại trái cây. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu lại, ngồi xếp chân về một phía trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vái ba cái để tiễn đưa Têvêđa cũ và rước Têvêđa mới, mong được ban phúc lành. Họ tin rằng Têvêđa là ông tiên được trời sai xuống chăm sóc dân chúng. Theo phong tục của người Khmer, họ sẽ tập trung và đón Tết tại Chùa. Đây là nét đẹp văn hóa mang tính cộng đồng của người Khmer. Trước Tết khoảng 1 tuần, các ngôi chùa của người Khmer như bừng lên một sức sống mới. Tượng Phật, chính điện, cổng chào được sơn son thiếp vàng, khuôn viên chùa đều được trang hoàng lộng lẫy.

 

Ông Thạch PhuơL, người dân tộc Khmer ở phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu cho biết “Tết của người Khmer được diễn ra trong ba ngày, mỗi ngày đều có tên gọi khác nhau và hầu hết các hoạt động lễ hội đều được tổ chức tại chùa. Ngày thứ nhất gọi là “Maha Songkran”, đây là ngày mọi người đến chùa dâng hương, cúng tế tổ tiên. Vào ngày này, người Khmer sẽ dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm rửa thân thể vào buổi chiều và rửa chân vào buổi tối. Ngày thứ hai gọi là “Virak Wanabat”, đây là ngày mọi người sẽ làm từ thiện cho những người bất hạnh. Ngày thứ ba gọi là “Tngay Leang Saka”, đây là ngày mọi người dung nước thơm để tắm Phật, trẻ nhỏ dùng nước thơm để rảy lên người các bậc trưởng bối, với quan niệm rằng, làm như thế sẽ đem đến sự trường thọ và hạnh phúc. Và đây là ngày quan trọng nhất bởi ngày này được xem như là ngày trả nợ, trả lễ, báo hiếu cho ông bà, tổ tiên, ơn Phật. Nếu ai vắng mặt vào ngày này sẽ bị xem như chưa đi chùa, chưa hành lễ báo hiếu cho tổ tiên, chưa xóa bỏ nợ nần. Tiếp đó là tục “Đắp núi cát”cũng là một trong những nghi thức không thể thiếu trong Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer. Cát sạch được đổ thành từng đống quanh đền thờ Phật, chung quanh sân chính điện. Những núi cát nhỏ được đắp theo tám hướng, núi thứ chín ở giữa là trung tâm trái đất. Nghi lễ này gọi là Anisâng Pun Phnôm Khsách. ''Phúc duyên đắp cát'' là một phong tục nhằm tích phước, tích đức vào dịp Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer Nam Bộ. Không chỉ thực hiện các nghi lễ ở chùa, người Khmer còn thỉnh các sư về nhà mình để tụng kinh chúc phúc cho gia đình”.

Có thể nói, Tết Chol Chnam Thmay rất quan trọng trong đời sống cũng như tín ngưỡng của người Khmer. Bởi lẽ, đó là những ngày mở đầu năm mới, mở đầu thời vụ mới và cũng là những ngày hạnh phúc tươi vui nhất trong năm./. 

Bài, ảnh: Thái Linh, BBT