Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Luôn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình toàn cầu hoá hiện nay.
02:42 | 26/10/2016 Print   E-mail    

Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là tài sản vô giá; là linh hồn của dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, là biểu tượng của sự trường tồn, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đã từng được đặt ra và sau mỗi giai đoạn thử thách đó, chúng ta lại có được những bài học kinh nghiệm quý báu. Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước xu thế toàn cầu hoá như một cơ hội để phát huy các giá trị truyền thống, đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Với truyền thống vẻ vang của dân tộc, với đường lối, chính sách phát triển đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào bản lĩnh và thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình toàn cầu hoá hiện nay.

HS tham quan di tích lịch sử Bạch Dinh (TP.Vũng Tàu).

 Vũng Tàu – nguồn ảnh: baobariavungtau.com.vn) 

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) năm 1998 về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã và đang đi vào cuộc sống, được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng tình ủng hộ, được cả hệ thống chính trị quan tâm, tổ chức thực hiện. Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển; nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; công nghệ thông tin, nhất là thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực; phát huy được truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng... 

Những năm qua, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)  và Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản săc văn hoá dân tộc” và “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đảng bộ và chính quyền Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang có những Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương trong thời kỳ hội nhập…

Tại Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có 44 di tích được xếp hạng trong đó có 31 di tích được xếp hạng quốc gia, còn lại là di tích xếp hạng cấp Tỉnh. Sau 7 năm thực hiện phân cấp quản lý di tích (từ 2009), các di tích trên địa bàn Tỉnh đã có sự thay đổi rõ rệt: Di tích được trùng tu, bảo quản; nhiều đơn vị lữ hành đã mở tour du lịch đến với các di tích, danh thắng để du khách tham quan, tìm hiểu… Có 4 di tích trọng điểm (Khu di tích Bạch Dinh, trận địa pháp cổ Núi Lớn, Khu di tích lịch sử căn cứ Minh Đạm, địa đạo Long Phước) đã được nâng cấp, sửa chữa để phục vụ khách du lịch đến tham quan tìm hiểu. Từ năm 2010 đến nay, nhiều di tích đã được kết nối đến với người dân và du khách thông qua các hoạt động về nguồn. Từ những việc làm ý nghĩa, thiết thực đó, di tích lịch sử đã trở thành sợi dây kết nối quá khứ - hiện tại và tương lai; kết nối văn hóa và du lịch để hướng đến một mục tiêu chung là thu hút khách du lịch và làm vẻ vang những trang sử của quê hương.

Lễ hội Nghinh Ông tổ chức ở thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Cẩm Nhung

(Lễ hội Nghinh Ông tổ chức ở thành phố Vũng Tàu. Ảnh: Cẩm Nhung)

Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tổ chức Lễ hội cũng góp phần tích cực trong việc giao lưu với các nền văn hóa. Tại thành phố Vũng Tàu, nổi bật là lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam. Đây là lễ hội theo tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng biển lâu đời tại Vũng Tàu. Lễ hội Nghinh Ông truyền thống đã từng được Bộ Văn hoá - Thông tin và Tổng cục Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chọn là Lễ hội lớn của cả nước từ năm 2000. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chọn lễ hội Nghinh Ông là một trong những sự kiện văn hóa hàng năm tại Tỉnh, với mục đích nâng cao chất lượng và đưa hoạt động văn hoá này thành sản phẩm Du lịch đặc sắc, góp phần đưa hoạt động du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng đa dạng, phong phú, xứng tầm với sự phát triển chung của khu vực, trong nước và quốc tế. Thông qua các hoạt động trong Lễ hội sẽ tăng cường quảng bá hình ảnh thân thiện, mến khách của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Vũng Tàu.   

Trước xu thế toàn cầu hóa của thế giới hiện nay, để mở rộng giao lưu, hội nhập mà không đánh mất bản sắc của mình, chúng ta nên bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng phải lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng, làm bản lĩnh. Nền tảng có vững chắc, bản lĩnh có vững vàng mới tiếp thu được tinh hoa văn hóa nhân loại một cách đúng đắn, mới chủ động, tự tin hội nhập và làm giàu thêm, sáng lên đặc trưng văn hóa dân tộc (theo tư tưởng Hồ Chí Minh). Mỗi người dân Việt Nam hãy luôn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ở mọi thời đại./.

                                                                                         

Bài: Lê Ngân, BBT