Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 vẫn mãi soi đường cho dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng và gìn giữ độc lập, tự do, hạnh phúc.
02:53 | 27/08/2016 Print   E-mail    

Kỷ niệm 71 năm Quốc khánh 2-9 (2/9/1945 - 2/9/2016): 

Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 vẫn mãi soi đường cho dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng và gìn giữ độc lập, tự do, hạnh phúc.

--------------

Ngày 2/9/1945, trước hàng chục vạn đồng bào ở thủ đô Hà Nội, đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đây lịch sử dân tộc Việt Nam sang trang mới, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua, đất nước Việt Nam và thế giới đã có những thay đổi sâu sắc về mọi mặt, nhưng Tuyên ngôn độc lập năm 1945 vẫn có sức sống trường tồn và tính thời sự sâu sắc, tư tưởng và nội dung chủ đạo của tuyên ngôn vẫn mãi soi đường cho cả dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng, củng cố và gìn giữ độc lập, tự do, hạnh phúc…

Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh 71 năm tuyên ngôn độc lập 2/9

(Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 – Hình tư liệu) 

Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân ta, từ địa vị nô lệ đứng lên giành độc lập, tự tổ chức ra Nhà nước của mình. Áng hùng văn bất hủ này thực sự là một Di sản văn hóa khẳng định quyền tự chủ của dân tộc, thể hiện niềm tự hào, ý chí, sức mạnh và khát vọng hòa bình mãnh liệt của của một dân tộc. Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trải qua những cuộc chiến đấu trường kì, gian khổ, chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh, cho nên, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam nhận rõ giá trị của hòa bình, độc lập, tự do. Bởi vậy, thiết tha yêu chuộng hòa bình là một trong những phẩm chất nổi bật và cao đẹp, là một nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập 2/9 có giá trị trường tồn, soi đường và định hướng cho sự phát triển của dân tộc Việt  Nam.  Đất nước ta đã giành được độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ bằng chiến thắng năm 1975 và hiện nay đang ra sức giữ gìn nền độc lập, chủ quyền - thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đó. Bên cạnh đó, phát triển đất nước theo con đường Chủ nghĩa xã hội mà ngay từ Tuyên ngôn độc lập năm 1945 cũng đã soi đường và hướng tới mục tiêu vì con người với 3 chữ độc lập, tự do, hạnh phúc. Đấy chính là sự kế thừa những giá trị nhân văn, giá trị xây dựng, phát triển đất nước mà Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã mở ra.

71 năm kể từ ngày khai sinh đất nước, Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực vươn lên mạnh mẽ. Sau 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới (1986-2016), đất nước đạt được những thành tựu to lớn. Sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên rất nhiều. Việt Nam được bạn bè thế giới mến phục, coi là biểu tượng của sự ổn định xã hội, tinh thần chiến thắng đói nghèo, đề cao nhân nghĩa trong thế kỷ XXI. Những thành tựu to lớn đã đạt được từ ngày thành lập nước đến nay chứng tỏ sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập 2/9 vẫn mãi soi đường cho cả dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng, củng cố và gìn giữ độc lập, tự do, hạnh phúc. Việt Nam đang phấn đấu để năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề vững chắc để phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn trong các giai đoạn sau. Tiếp tục tinh thần của Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9, trong giai đoạn này đòi hỏi Việt Nam phải thực hiện bằng được mục tiêu đó. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực vượt bậc, thu được những kết quả quan trọng và nhiều kinh nghiệm quý. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đòi hỏi phải quyết tâm cao, sự thống nhất ý chí và hành động, tinh thần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ. Chúng ta nguyện làm việc, cống hiến thật xứng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc và vì tương lai của các thế hệ mai sau.

Cho đến ngày nay - sau gần ba phần tư thế kỷ - giá trị của Tuyên ngôn Độc lập vẫn nguyên vẹn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự thống nhất một cách biện chứng giữa quyền Con người và quyền Dân tộc là nền tảng, là kim chỉ nam soi rọi con đường cách mạng Việt Nam hướng lên một tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; vì mục tiêu cao cả dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. 

Đi qua một chặng đường (2/9/1945 – 2/9/2016), bản Tuyên ngôn Độc lập đã đi vào lịch sử văn hóa nhân loại, trở thành niềm tự hào của dân tộc ta. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, "quyền được sống, tự do, bình đẳng, bác ái" của bản Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 tiếp tục soi đường và là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục đấu tranh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng xã hội theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Quá khứ đã khuất xa, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại cho đến ngày hôm nay, nhắc nhở chúng ta phải nỗ lực phấn đấu rất nhiều. Mỗi người con đất Việt cần ra sức cống hiến trí tuệ và sức lực của mình để Việt Nam có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” theo ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

Bài: Lê Ngân, BBT