Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Thành phố Vũng Tàu ra quân chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết
05:41 | 29/05/2016 Print   E-mail    

 

 

 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sáng ngày 28/5, cùng với các địa phương khác, các xã, phường trong toàn thành phố Vũng Tàu cũng đồng loạt tổ chức chiến dịch ra quân diệt lăng quăng phòng chống dịch sốt xuất huyết đợt 1/2016.

Với mục tiêu không bỏ sót bất kỳ hộ gia đình nào có dụng cụ chứa nước mà không được kiểm tra; không bỏ sót bất kỳ dụng cụ chứa nước nào có lăng quăng mà không được xử lý, nhân viên các trạm y tế, nhân viên sức khỏe cộng đồng, cộng tác viên các chương trình y tế phường, xã, khu phố, thôn, ấp trong toàn Thành phố đã đến từng hộ dân cư trên địa bàn hướng dẫn người dân làm vệ sinh môi trường, thông thoáng nhà ở, súc rửa và đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, thay nước hồ kiểng, chậu kiểng, bình hoa, xả nước trong các hồ nước cũ không còn sử dụng, khơi thông cống rãnh…Công việc này, không chỉ được triển khai thực hiện trong chiến dịch ra quân mà còn được các xã, phường triển khai thương xuyên trong năm nhằm chủ động phòng chống bệnh SXH.

Kiểm tra loăng quăng tại các hộ gia đình

 

Ông Trương Thế Hải -Phó chủ tịch UBND phường Thắng Tam, TPVT cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm, phường Thắng Tam có 22 ca sốt xuất huyết và có 2 ổ dịch nhỏ. Như tại hẻm 166 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa mà chúng tôi kiểm tra sáng nay có một ổ dịch nhỏ đã được chúng tôi xử lý trước đó. Thực hiện chỉ đạo của UBND Tỉnh và Thành phố, thời gian qua, chúng tôi đã xây dựng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền cho người dân, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Chúng tôi còn mời các cán bộ, nhân viên ở Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể của phường trực tiếp xuống tham gia kiểm tra, và cùng với cán bộ tổ dân phố tuyên truyền đến các hộ dân cách phòng tránh bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika”.

Bác sĩ Phạm Văn Lưu, Trưởng phòng y tế thành phố Vũng Tàu cho biết:  Trong 5 tháng đầu năm 2016, số ca bệnh SXH trên địa bàn TP Vũng Tàu là 437 ca, tăng 135 ca so với cùng kỳ năm trước. Số ca bệnh tăng nhiều nhất trong 3 tháng đầu năm. Từ tuần thứ 16 trở đi, cho đến nay là tuần thứ 22, số ca mắc SXH đã giảm dần. Hiện những tuần gần đây, mỗi tuần toàn thành phố có khoảng 10 đến 12 ca mắc SXH, so với những tuần trong ba tháng đầu năm giảm từ 20 đến 30 ca. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố Vũng Tàu trong công tác phòng chống SXH.”

Sốt xuất huyết là một bệnh cấp tính có thể gây dịch. Muỗi Vằn là thủ phạm truyền bệnh từ người bệnh sang người lành. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng chủ yếu tập trung nhiều vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11. Bệnh SXH hiện chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc trị. Bệnh có thể lây lan thành dịch và có thể gây tử vong. Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngoài các hoạt động phòng ngừa thường xuyên liên tục trong năm, Ủy ban nhân dân tỉnh còn chỉ đạo các địa phương đồng loạt tổ chức chiến dịch ra quân diệt lăng quăng trên phạm vi toàn tỉnh với hai đợt trong một năm, nhằm tạo phong trào sâu rộng trong việc vệ sinh phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết.  Việc đồng loạt tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng thường xuyên hàng năm trên toàn tỉnh vào những tháng cao điểm mùa mưa còn nhằm nâng cao nhận thức của người dân; nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể,  giảm bớt nguy cơ bùng phát dịch SXH trên địa bàn tỉnh. Trong các đợt ra quân chiến dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát việc triển khai chiến dịch tại các huyện/Thành phố. Cụ thể trong đợt ra quân chiến dịch diệt lăng quăng lần này, toàn tỉnh có 4 đoàn kiểm tra của tỉnh tiến hành kiểm tra giám sát tại các huyện/Thành phố.

Kiểm tra tại phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu, ông Hà Văn Thanh- Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh –Thành viên Ban chỉ đạo phóng chống dịch bệnh tỉnh  cho biết  “sáng nay chúng tôi đi các địa phương thâm nhập thực tế, qua trao đổi làm việc với các cộng tác viên, các tổ dân phố cũng như các đồng chí trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch ở đây, chúng tôi thấy rằng, những khu phố mặt tiền thì rất sạch sẽ, nhưng vào sâu bên trong các khu nhà trọ, những khu đất trống vẫn còn có một số đồ vật chứa nước lâu ngày chưa được xử lý, và trong các vật dụng chứa nước này xuất hiện nhiều lăng quăng. Như vậy nguy cơ phát triển lăng quăng và bệnh sốt xuất huyết ở các khu vực này rất cao. Tôi đề nghị, địa phương cần quan tâm hơn nữa, động viên, vận động đoàn viên thanh niên, thanh niên xung kích cùng người dân tại các khu nhà trọ, người dân sống gần khu đất trống tập trung xử lý vứt bỏ các đồ vật chứa nước không cần thiết. Việc này phải làm từng tuần chứ không phải chờ đợi đến chiến dịch của tỉnh mới làm.”

Được biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 64 ổ dịch SXH với 801 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, so với cùng kỳ năm 2015 tăng 336 ca. Trong đó Thành phố Vũng Tàu là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất trong toàn tỉnh với 437 ca với 43 ổ dịch, chiếm gần 55% số ca mắc trong toàn tỉnh.  Hiện nay tất cả các ổ dịch đều đã được ngành y tế xử lý. Tuy nhiên, trong thời điểm thời tiết chuẩn bị bước sang mùa mưa, nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, biện pháp phòng tránh vẫn đang được ngành y tế phối hợp các địa phương tích cực thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng kêu gọi người dân tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Diệt lăng quăng bằng cách: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần; Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông. Phòng chống muỗi đốt bằng cách: Mặc quần áo dài tay; ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày; dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, vợt điện diệt muỗi, kem đuổi muỗi; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi; khi sốt cần đến ngay cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà; cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác./.

 

Bài, ảnh: Thanh Bình, BBT