Tin trong nước Tin trong nước
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm, hội kiến các nhà lãnh đạo Bỉ và EU
08:29 | 05/12/2015 Print   E-mail    

Sáng 02-12 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới Sân bay quân sự Brúc-xen, thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên hiệp châu Âu (EU). Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tại sân bay, có đại diện Bộ Ngoại giao Bỉ, Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại EU Vương Thừa Phong, cùng đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu G.Giăng-cơ.

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Thủ tướng Bỉ S.Mi-sen. Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Bỉ S.Mi-sen cho rằng, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục thể hiện sinh động quan hệ gần gũi giữa hai nước và là dịp quan trọng để hai bên đánh giá sự phát triển hợp tác song phương, đề ra phương hướng tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước.

Hai Thủ tướng nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam - Bỉ đang phát triển tốt đẹp; hai bên vừa triển khai kỳ họp lần thứ ba của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam - Bỉ và nhiều chương trình họp tác song phương. Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Bỉ tiếp tục phát triển thuận lợi, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,3 tỷ USD năm 2014 và 1,6 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2015, đầu tư của Bỉ tại Việt Nam đạt 420 triệu USD với 59 dự án, nhưng vẫn cần được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phù hợp tiềm năng và mong muốn của cả hai bên. Hai bên nhất trí đẩy nhanh việc xác định và thúc đẩy thực hiện các dự án về dịch vụ hậu cần, giao thông vận tải, tăng trưởng xanh, không gian vũ trụ; tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu; hợp tác phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu. Hai Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả hợp tác giáo dục - đào tạo, nhất trí tăng cường trao đổi sinh viên và hợp tác giữa các cơ sở giáo dục - đào tạo của hai nước.

Thủ tướng S.Mi-sen chúc mừng Việt Nam và EU chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA). Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, thúc đẩy EU hoàn tất phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA), sớm ký chính thức EVFTA và nhanh chóng triển khai hiệu quả các thỏa thuận này. Bỉ chúc mừng Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018 và đánh giá cao sự phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn đa phương, giúp Việt Nam và Bỉ nâng cao vị thế quốc tế. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, Tổ chức Pháp ngữ (Francophonie).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng S.Mi-sen đã trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, thông báo và chia sẻ về diễn biến tại Biển Đông và cuộc chiến chống khủng bố. Thủ tướng S.Mi-sen nhấn mạnh, Bỉ ủng hộ giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), hướng tới thỏa thuận chính trị và quy tắc ứng xử chung ràng buộc giữa các bên.

* Sáng 2-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Chủ tịch Hạ viện Bỉ X.Brắc-cơ và Chủ tịch Thượng viện Bỉ C.Đờ-phe. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo Nghị viện Bỉ trao đổi ý kiến về quan hệ song phương cũng như về các vấn đề quốc tế, khu vực đang nổi lên; bày tỏ hài lòng về sự phát triển tích cực của hợp tác Việt Nam - Bỉ trên nhiều mặt và ở tất cả các cấp, quan hệ giữa Nghị viện hai nước được thắt chặt. Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Bỉ nhất trí với những biện pháp thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Bỉ mà Thủ tướng hai nước đã thống nhất trong hội đàm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các lãnh đạo Nghị viện Bỉ nhất trí rằng, hai nước cần tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án, khai thác tiềm năng trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, tăng cường hợp tác phát triển và ứng phó biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Bỉ khẳng định ủng hộ tăng cường quan hệ toàn diện Việt Nam - EU; đánh giá cao việc Việt Nam và EU chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA); cam kết thúc đẩy EU sớm phê chuẩn PCA, ủng hộ việc EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cho Việt Nam và sớm ký chính thức EVFTA.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) G.Giăng-cơ.

Tại cuộc hội đàm với Chủ tịch EC, hai nhà lãnh đạo tiến hành đánh giá sự phát triển quan hệ Việt Nam - EU trong thời gian qua, trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa hai bên trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, năng lượng, biến đổi khí hậu... Bên cạnh các vấn đề song phương, Thủ tướng và Chủ tịch EC cũng trao đổi về một số vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm và hợp tác giữa hai bên trong các khuôn khổ đa phương.

Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực của quan hệ Việt Nam với EU, đặc biệt là quan hệ kinh tế - thương mại và hợp tác phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị EU hoàn tất phê chuẩn Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA), đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để triển khai hiệu quả PCA. Về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị trong thời gian EVFTA chuẩn bị được ký kết chính thức và phê chuẩn, hai bên cùng chọn ra các lĩnh vực ưu tiên để triển khai sớm; EU hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình thực hiện EVFTA và EU công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, cùng thời điểm EVFTA có hiệu lực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao về hợp tác phát triển của EU dành cho Việt Nam trong thời gian qua và việc EU tăng viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 lên 400 triệu ơ-rô. Thủ tướng đề nghị EC hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thể chế, quản trị công, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, môi trường, chống biến đổi khí hậu, tiếp tục duy trì hỗ trợ phát triển chính thức cho Việt Nam trên tất cả các kênh, song phương, đa phương và các chương trình hợp tác khu vực. Hai bên khẳng định sẽ phối hợp thúc đẩy ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (FLEGT-VPA) và Hiệp định tài chính dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hợp tác giữa Việt Nam và EU tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, ASEM; đề nghị Việt Nam và EU tiếp tục tăng cường phối hợp ủng hộ lẫn nhau trong các lĩnh vực cùng quan tâm như quản lý nguồn nước, an ninh lương thực, sáng kiến kết nối ASEAN.

Chủ tịch EC G.Giăng-cơ nhất trí hai bên tiếp tục duy trì trao đổi đoàn thường xuyên, nhất là các đoàn cấp cao, tăng cường quan hệ hai bên trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên; đề nghị Việt Nam, với vai trò tích cực trong ASEAN, ủng hộ EU tăng cường quan hệ EU - ASEAN. Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch EC khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế, không làm phức tạp và căng thẳng thêm tình hình; đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, đặc biệt các bên cùng cam kết không theo đuổi và không có hành động quân sự hóa ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

* Ký Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU

Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC G.Giăng-cơ chứng kiến lễ ký Tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) . Phát biểu ý kiến sau lễ ký, hai nhà lãnh đạo khẳng định, EVFTA là văn kiện pháp lý quan trọng điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, tạo môi trường tự do, thông thoáng và thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ cả EU và Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cùng với các hiệp định FTA khác mà Việt Nam đã ký kết trước đó, EVFTA sẽ mở ra không gian thương mại rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, trong đó có tất cả các nước G-7 và 15 nước G-20. Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối để các doanh nghiệp EU thâm nhập sâu vào thị trường ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn và nhiều tiềm năng. Thủ tướng cũng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, các cơ chế tham vấn; hoàn tất phê chuẩn PCA vào đầu năm 2016 và thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực Việt Nam ưu tiên và EU có thế mạnh như thông tin - truyền thông, khoa học - công nghệ, y tế, môi trường, tài chính, chống biến đổi khí hậu...

* Trong buổi hội kiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đ.Tu-xcơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội đồng châu Âu ủng hộ tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; ủng hộ hoàn tất phê chuẩn PCA, sớm chính thức ký kết và phê chuẩn EVFTA; ủng hộ việc EU công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam cùng thời điểm EVFTA có hiệu lực. Chủ tịch Đ.Tu-xcơ khẳng định, Hội đồng châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - EU trên tất cả các lĩnh vực; hứa sẽ tích cực thúc đẩy thực hiện các đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

* Trong buổi gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) M.Xơ-chun, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam với EP, nhất là trao đổi đoàn giữa hai bên trong thời gian gần đây, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU; đề nghị EP sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn PCA; sớm phê chuẩn EVFTA sau khi Hiệp định này được ký kết và ủng hộ EU công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam cùng thời điểm EVFTA có hiệu lực; mong muốn EP góp tiếng nói quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên thế giới nói chung và tại khu vực Đông - Nam Á nói riêng. Chủ tịch EP bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hai bên nói chung và giữa Quốc hội Việt Nam và EP nói riêng; hứa sẽ thúc đẩy để EP sớm hoàn tất phê chuẩn PCA và phê chuẩn EVFTA.

* Tại buổi tiếp Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam của EP, ông G.Da-hơ-ra-đin, Thủ tướng đánh giá việc Nhóm nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam được thành lập ngày 11-11 vừa qua là một sự kiện rất có ý nghĩa vì diễn ra vào đúng thời điểm Việt Nam và EU kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; mong rằng trong thời gian tới, Nhóm sẽ phát huy vai trò cầu nối trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với EU nói chung, cũng như giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu nói riêng. Thủ tướng đề nghị các nghị sĩ của Nhóm, với uy tín của mình trong EP, lên tiếng vận động EP sớm phê chuẩn EVFTA sau khi Hiệp định này được ký kết, ủng hộ EU công nhận quy chế thị trường cho Việt Nam không muộn hơn thời điểm EVFTA có hiệu lực và sớm hoàn tất phê chuẩn PCA với Việt Nam. Ông G.Da-hơ-ra-đin hứa trong thời gian tới, Nhóm sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện các mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tích cực góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - EU trên tất cả các lĩnh vực.

* Nhân dịp chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Đ.Tu-xcơ, Chủ tịch EC G.Giăng-cơ ra Tuyên bố báo chí chung về quan hệ Việt Nam - EU. (Toàn văn đăng trên số báo ra hôm nay). Đây là lần đầu Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch EC cùng ra tuyên bố chung với lãnh đạo Việt Nam.

* Đêm 2-12 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam rời Brúc-xen, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên hiệp châu Âu.

* Ngay sau khi tới Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp và nói chuyện thân mật với các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Bỉ. Thủ tướng ân cần thăm hỏi, động viên và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và kiều bào; đồng thời thông báo những nét chính về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; khẳng định những kết quả đạt được trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là nhờ sự nỗ lực, đóng góp chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc, trong đó đóng góp của kiều bào - một bộ phận quan trọng, không tách rời của dân tộc Việt Nam.

* Trước đó, tại Pa-ri, trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị COP-21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Pi-e Lô-răng. Thủ tướng nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo Pháp đều khẳng định muốn đưa quan hệ hai nước phát triển hiệu quả; đề nghị Đảng Cộng sản Pháp phát huy vai trò, tiếp tục ủng hộ, đóng góp tích cực cho các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam với Pháp và với EU. Đồng chí Pi-e Lô-răng đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị COP-21; hoan nghênh các cuộc trao đổi, gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các nhà lãnh đạo Pháp; khẳng định Đảng Cộng sản Pháp luôn ủng hộ và sẽ nỗ lực đóng góp cho sự phát triển quan hệ hai Đảng, hợp tác giữa hai nước.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có các cuộc tiếp lãnh đạo các tập đoàn, công ty lớn của Pháp hoạt động kinh doanh thành công và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, như Tập đoàn điện lực Pháp (EDF), Tập đoàn các sân bay Pa-ri (ADP), Công ty dầu khí Perenco, Công ty xây dựng - thiết kế Technip và Tập đoàn Accord. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài hợp tác lâu dài, cùng có lợi tại Việt Nam.

* Trong khuôn khổ hoạt động của Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị COP-21, tại Pa-ri, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Thượng nghị sĩ đảng Xanh, tiếp lãnh đạo Tập đoàn Thales của Pháp. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã chủ trì Hội nghị phổ biến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), với sự tham gia đông đảo của đại diện doanh nghiệp các nước EU và Việt Nam./.

                                                                       Nguồn: Nhân dân điện tử, BBT