An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Ngoại tôi
08:03 | 29/10/2013 Print   E-mail    

 

 
NGOẠI TÔI
 -------------------

 

 
(Hình minh họa)
 
 
Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo ven biển. Người dân quê tôi vốn làm nghề chài lưới và đi biển đánh cá. Khi biết nói tôi đã không được gọi tiếng “mẹ”, tiếng ‘ba”. Tôi lớn lên trong tình yêu thương của bà ngoại. Ngoại là ánh lửa hồng nhen nhóm cuộc đời tôi, ngoại cho tôi tất cả những gì mà tôi có.
 
          Khi tôi gần hai tuổi, ba mẹ tôi đã bỏ tôi lại cho ngoại để sống mãi trong lòng biển khơi trong một lần đi đánh cá. Khi nhận thức được những cái của cuộc sống diễn ra xung quanh mình thì bên cạnh tôi chỉ còn có ngoại. Ngoại và gánh hàng rong của ngoại đã nuôi tôi khôn lớn thành người. Thấy bạn bè cùng trang lứa ai ai cũng có mẹ, có ba tôi mới hỏi ngoại tôi thì ngoại nói: “Ba mẹ con đi đánh cá ngoài biển khơi chưa về”. Thế rồi chiều nào cũng như chiều nào, khi ánh hoàng hôn lan tràn trên mặt biển, ngoại lại dẫn tôi đi đón ba mẹ. Nhưng ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm tôi và bà vẫn không đón được ba mẹ. Và khi ấy lúc nào tôi cũng thấy giọt lệ dài lăn trên mắt ngoại. Và rồi có một ngày tôi chợt nhận ra rằng ba mẹ tôi sẽ không bao giờ về nữa và ngoại chính là ba mẹ của tôi. Có những lúc thấy bạn bè được bao bọc bởi tình yêu thương của ba mẹ mà tôi khát khao biết bao. Tôi khát khao một lần trong đời mình được gọi ba, gọi mẹ. Càng lớn tôi càng thương ngoại vô cùng. Ngoại có hai người con thì một người hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ và mẹ tôi. Chính vì thế tất cả tình yêu thương ngoại đều dành cho tôi. Năm tháng đi qua, gánh hàng rong và tình yêu vô bờ bến của ngoại đã nuôi tôi khôn lớn thành người. Tôi vào thành phố Đại học như ý nguyện của bà và bản thân. Mỗi lần về thăm ngoại dường như tôi thấy dáng ngoại còng hơn. Có lúc tưởng chừng tôi đã bỏ học, nhưng rồi nhìn ánh mắt của bà tôi càng cảm thấy mình càng phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với công lao trời biển của ngoại.
 
          Ngày tốt nghiệp Đại học, tôi cầm tấm bằng cử nhân loại giỏi về khoe với ngoại thì than ơi…ngoại không còn nữa. Ngoại ơi, công lao của ngoại trồng cây nay đã đến ngày ăn quả, sao ngoại không sống để nhìn thấy nó? Tôi đau đớn, xót xa và cảm thấy mình có lỗi. Khi bà không còn nữa thì tôi mới cảm thấy mình hụt hẫng, bởi có lẽ chỗ dựa duy nhất của tôi không còn nữa, Từ nay tôi sẽ một mình chống chọi với cuộc đời đầy cam go và thử thách. Tất cả những gì mà bà dành cho tôi nó sẽ là hành trang để tôi bước vào đời. Lúc này tôi mới cảm thấy yêu thương bà vô hạn. Lúc mà tình yêu trong tôi thổn thức thì ngoại không còn để tôi đáp đền, để tôi yêu thương.
 
          Năm tháng đi qua, Hôm nay tôi đã là người có địa vị trong xã hội. Tôi đã được gọi tiếng “mẹ”, tiếng “ba” (ba mẹ chồng) và có một gia đình hạnh phúc nhưng lúc nào hình ảnh ngoại vẫn là bếp lửa hồng thổn thức trái tim tôi. Giá có một điều ước tôi sẽ ước ngoại sống thêm một lần nữa để tôi có cơ hội được đáp đền. Giờ đây, lâu đài ngoại yên nghỉ cỏ đã xanh cao, bao mùa vui đi qua ngoại đã kiếm tìm cho mình một thiên đường hạnh phúc. Ở nơi đó ngoại hãy yên lòng ngủ yên nhé, con lúc nào cũng nhớ thương và sẽ gắng phấn đấu để xứng đáng với ngoại, để luôn tự hào là cháu ngoại./.
 
                                                                                 Bài: Lê Thị Ngân
                                                                                        BBT.