Các loại hình nghệ thuật Các loại hình nghệ thuật
Thư pháp ngày xuân
11:03 | 16/02/2015 Print   E-mail    

 
Với các bậc văn nhân xưa, câu đối là một thể loại văn học rất đặc sắc, thể hiện trí thông minh, tài năng ứng xử. Và mỗi dịp xuân về người ta không quên mua dăm quả cau, lạng chè để đến xin chữ. Chẳng thế mà cụ Tam Nguyên Yên Đỗ – Nguyễn Khuyến có câu: “Kiếm một cơi trầu thưa với cụ Xin đôi câu đối để thờ ông”. Ngày nay, không còn phải thi thố tài năng như trước như thư pháp vẫn được người ta cảm nhận và xem nó như một phần trang trọng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
 
 
Cái mộc mạc, đơn sơ nhưng không kém phần tài hoa, thâm thúy của nghệ thuật viết chữ đã thấm sâu vào tâm tư tình cảm, nếp sống của nhân dân ta và từ đó tạo dựng nên thú chơi vô cùng tao nhã của người dân vào mỗi dịp xuân về. Những “ông đồ”, “bà đồ” thời hiện đại cũng đang “cho chữ” rất nhiều trong những dịp Tết đến.
 
Tại các cửa hàng trưng bày thư pháp chữ Việt của TP. Vũng Tàu, những câu đối, liễn mừng xuân đã xuất hiện cách đây cả tháng. Những bức thư pháp ấy không chỉ xuất hiện trên mành, trên giấy như thời “ông đồ xưa” nữa mà đã được chuyển hoá trên mọi vật liệu như: gỗ, giấy mành dệt, giấy mỹ thuật, khung… và rạo rực những câu chúc xuân mà đến đây mỗi người có thể chọn cho mình những nét chữ “như phượng múa rồng bay”, chọn cho mình những kiểu chơi chữ lý thú, chọn những câu ý nghĩa để tặng gia đình, bạn bè hay để treo trong nhà… nhân dịp năm mới. Tặng bạn bè có thể chọn câu: “Mai vàng nở rộ mừng tri kỷ. Đào hồng khoe sắc đón tri ân”. Chúc Tết ông bà có thể chọn những câu như: Ông bà vui Tết tăng tuổi thọ; cha mẹ mừng xuân được an nhàn. Tặng bà con lối xóm lại có câu khác: Xuân đến nhà nhà vui hạnh phúc, Tết về chốn chốn hưởng bình an. “Xuân đáo bình an tài lợi tiến; Tết về phú quý lộc quyền lai”, câu này có thể dùng để chúc mừng cho mọi người thành công. Cho người yêu thì thư pháp cũng có những câu ngọt ngào: Ngàn năm xuân vẫn không già; Em bao nhiêu tuổi vẫn là của anh. Thư pháp không thể thiếu được những câu triết lý: Ví không có cảnh đông tàn thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân…
“Cụ đồ” Trần Thanh Hiền, CLB thư pháp chữ Việt TP. Vũng Tàu cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị hàng ngàn bức thư pháp lớn nhỏ để phục vụ cho khách hàng thích thú chơi thư pháp trong dịp Tết”. Thư pháp có nhiều kiểu chơi từ những bức liễn treo cây mai giá chỉ có 10.000 đồng đến những bức thư pháp cỡ lớn với giá hàng triệu đồng. Năm nay bên cạnh những bức thư pháp viết trên giấy mành, giấy mỹ thuật, viết trên trúc thì còn có cả những sản phẩm thư pháp viết trên gỗ, trúc dệt với hoa văn mới mẻ, viết trên bình sứ bát tràng… Trên cây mai sẽ càng thêm sinh động với những bình sứ bát tràng được viết lên những lời chúc như: chúc mừng năm mới, mã đáo thành công, phúc lộc song hoàn, an khang thịnh vượng, tân niên vạn phước, ngũ phúc lâm môn...
 
Thư pháp là một thú chơi tao nhã. Những cặp câu đối trong dịp tết vừa mang ý nghĩa trang trọng vừa thể hiện hình thức cân đối cặp – đôi cân xứng. Và nếu như trước đây chúng ta thường bắt gặp hình ảnh của những ông đồ già “bày mực tàu giấy đỏ” để viết những ký tự thư pháp trên nền giấy cổ  vào dịp “mỗi năm hoa đào nở” thì nay không chỉ có ông đồ già mà có rất nhiều phụ nữ cũng thảo những nét “như phượng múa rồng bay”.
Chính vì thế thư pháp chữ việt không chỉ xuất hiện trong cửa hàng trưng bày thư pháp mà còn xuất hiện rất nhiều trong những cuốn lịch dịp Tết.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.