An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tháng bảy âm lịch về - Rộn ràng mùa Vu Lan.
02:03 | 30/07/2014 Print   E-mail    

 

Những ngày tháng bảy âm lịch, nhà lại nhà, trên khắp nước Việt mình đều thành kính bước vào mùa Vu Lan, mùa báo hiếu. Tới ngày Rằm tháng bảy, bà, mẹ, chị dù bận đến đâu cũng cẩn trọng sắp mâm cỗ đầy, thành kính dâng tặng tổ tiên, ban cho chúng sinh và chuyển đi thông điệp nhân văn của cuộc sống: Hãy nghĩ về Mẹ - Cha, mở lòng với đồng loại để thương yêu nhau nhiều hơn. Những ngày này, bạn sẽ không lạ khi chứng kiến những hình ảnh đầy xúc động: dù già hay trẻ, trai hay gái dự lễ Vu Lan đều thành kính và ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo.
 
http://latoi.com/store_news/picture/b44afe91b8_Thiep-VuLan-01.jpg
 
Khi mùa Vu Lan trở về, nơi nào có người con Phật, và nhất là trên mọi miền đất nước, những hình ảnh tự viện, tịnh xá, tịnh thất.v.v… đều khởi sắc một mùa Vu lan báo hiếu. Đối với những ai có tín ngưỡng hay không tín ngưỡng, tất cả đều có một cảm niệm chung, là nghĩ đến những phút giây chạnh lòng về công ơn trời biển của cha mẹ, âm thầm lắng nghe những tình tự nơi sâu kín của cõi lòng vô hạn, sự rung động ấy chính là Hiếu Tâm, Hiếu Hạnh.
 
Vu Lan là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Trung Hoa, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Vu Lan Báo Hiếu là thể hiện nếp sống tốt đẹp của người học Phật. Hiếu là ý nghĩa của đạo đức, và cũng là phẩm chất của đời sống hạnh phúc và giác ngộ. Vu Lan không phải là một ngày lễ hội thông thường trên bình diện tín ngưỡng mà đó là một thông điệp nhắc nhở chúng ta biết tri ân và báo ân đối với cha mẹ, nhắc nhở chúng ta tu tập trong tinh thần tự lợi và lợi tha.
 
image
 
Đã không biết bao nhiêu sách vở ở thế gian đã lưu giữ những kho tàng văn học, để tôn vinh người mẹ, tri ân người cha. Tình cha, nghĩa mẹ thật sự không thể nói hết được. Tục truyền, vào ngày này, mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng Bảy là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế thờ cúng.
 
Lễ hội Vu lan dù được tổ chức ở đâu, dưới hình thức nào đi nữa thì ở đấy vẫn có một điểm chung, vẫn toát lên một tinh thần chung, đó là tinh thần hiếu đạo của người phật tử. Ngày hội Vu lan là ngày để người con Phật bày tỏ lòng hiếu thảo của mình, để thực hiện nghĩa cử tri ân báo ân đối với hai đấng sinh thành, đối với tổ tiên, ông bà, trải rộng lòng thương đến cả những vong linh cô hồn và cả những mảnh đời bất hạnh hiện đang còn sống. Đây là một ngày lễ hội rất có ý nghĩa, cần phải được bảo tồn và phát triển, phải làm sao để nó trở thành một ngày lễ hội của quần chúng, vượt qua giới hạn của tôn giáo, tín ngưỡng, để cho tinh thần hiếu đạo được thấm nhuần trong lòng mọi người, để cho con người trở nên thuần từ và trung hiếu hơn.
 
http://phatgiao.org.vn/Images/Contents/tamduchau/20130715/Vu-lan1.jpg
 
Mùa Vu Lan cũng chính là những ngày để ôn lại những gì mỗi người con Phật nói riêng, tất cả người thực hành đạo hiếu nói chung. Nhìn lại xem trong suốt thời gian một năm đã qua, chúng ta đã báo đáp cho cha mẹ những gì? Mùa Vu Lan chính là cái mốc để những người con như chúng ta, suy nghiệm lại, nếu đã làm được phần nào lời Phật dạy, cần phải tinh tấn thêm hơn nữa. Còn nếu chưa làm được phải cố gắng làm. Đừng để cha mẹ, phải buồn phiền vì chúng ta./.
 
                                                                                   
Bài: Lê Ngân
BBT