An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tháng bảy - Vu Lan báo hiếu
09:28 | 07/08/2014 Print   E-mail    

 

 
Không biết tự bao giờ, một truyền thuyết của nhà Phật (Tôn giả Mục Kiền Liên đại hiếu đã tìm cách cứu mẹ mình ra khỏi ngạ quỉ, để linh hồn bà được siêu độ…) đã hóa thân trở thành một mỹ tục trong đời sống văn hóa của người Việt nam; Để rồi cứ mỗi độ thu về chúng ta lại có dịp cử hành lễ Vu lan báo hiếu.
 
Lễ Vu lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành lễ hội văn hóa ấm áp tình người với những ai đang hiện hữu trên cuộc đời này. Vu Lan hay còn gọi là mùa báo hiếu được diễn ra từ ngày mồng 8 đến ngày 15 tháng 7 âm lịch- là dịp để những người may mắn còn cha còn mẹ thể hiện tấm lòng thơm thảo, hiếu kính hơn với cha mẹ mình cũng là dịp đặc biệt để con cháu báo hiếu bậc sinh thành và Tổ tiên đã khuất.
 
 
Hiếu là bổn phận thiêng liêng của tất cả mọi người Đông cũng như Tây, xưa cũng như nay, những người con có hiếu không ai là không nghĩ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ “ Ân cha lành cao như núi Thái, Đức mẹ hiền sâu tựa biển khơi, Dù cho dâng trọn một đời, Cũng không trả hết ân Người sinh ra”
 
Đã không biết bao nhiêu sách vở, văn thơ trong kho tàng văn học ca ngợi, tôn vinh người mẹ, tri ân người cha. Tình cha- nghĩa mẹ bao la không bao giờ nói hết được “ Tạ ơn cha đã cho con thấy, Núi rất cao và biển rất tuyệt vời, Tạ ơn mẹ đã cho con hơi thở, Và trái tim nhân ái để làm người”
 
Thế nhưng trong những năm gần đây, lối sống thực dụng, chạy theo vật chất đã đưa đẩy một bộ phận lơ là trách nhiệm làm con, có người báo hiếu rùm beng để vụ lợi, thậm chí có người còn bạc đãi cha mẹ khiến dư luận lên án. Cha mẹ hiện tiền như Phật tại thế, người nào không cung kính cha mẹ của mình thì đừng mong họ sống tốt với bất cứ ai trên đời
 
Trên một ý nghĩa rộng hơn, Vu lan không chỉ dành cho chữ hiếu mà là ngày xá tội vong nhân. Ông bà chúng ta có quan niệm rằng không phải ai ai mất đi đều có người thân cúng giỗ, do đó ngày rằm tháng 7 cũng là ngày xá tội cho những vong hồn không chốn đi về, nên người đang sống phải giúp đỡ bằng cách cúng đơm cho họ ở trước cổng nhà mình. Đây là cốt cách bao dung, nhân ái và truyền thống văn hóa của người Việt nam.
 
Một nét đẹp trong ngày Vu lan là chương trình bông Hồng cài áo. Bông Hồng cài áo đã trở thành biểu tượng của mùa báo hiếu Vu lan. Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, ai còn cha mẹ sẽ sung sướng và hạnh phúc biết bao khi được cài lên ngực một đóa hoa Hồng đỏ, ai mất mẹ thì buồn thương cài lên ngực đóa hoa Hồng trắng.
 
Vu lan là ngày lễ báo hiếu vô cùng cao đẹp, đầy tính nhân văn sâu sắc của Phật giáo nói riêng và của mọi người con hiếu nghĩa nói chung trên thế gian này. Lễ Vu lan mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng cao cả; Khơi dậy, nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn trời biển của cha mẹ, nghĩ đến ông bà, tổ tiên. Mùa Vu lan về càng khẳng định đạo lý sống tốt đời đẹp đạo của dân tộc Việt nam.
 
Bài: Hoàn Yến
BBT.