An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Say văn nghệ, quên tuổi tác
09:25 | 25/07/2014 Print   E-mail    

Thời gian gần đây, các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ của người cao tuổi ngày càng khẳng định sự lớn mạnh của mình và trở thành một trong những lực lượng văn nghệ nòng cốt của các phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương. Không những thế, CLB văn nghệ của những người cao tuổi còn là những “liều thuốc tinh thần” giúp người già sống vui, sống khỏe...
 
CLB văn nghệ Hải Đăng, phường 2, TP. Vũng Tàu là CLB văn nghệ của người cao tuổi ra đời sớm nhất trên địa bàn tỉnh. Thành lập từ năm 1998, CLB văn nghệ Hải Đăng là một sân chơi dành cho người cao tuổi với nhiều hoạt động văn nghệ có ích giúp người già sống vui, sống khoẻ. Ban đầu, CLB chỉ có 10 người. Nhưng tiếng lành đồn xa, những cụ có khả năng ca hát, biết sử dụng các loại nhạc cụ cũng đã tham gia. CLB đã thành lập được một ban nhạc dân tộc, kết hợp với tân nhạc và đủ các làn điệu dân ca ba miền Bắc-Trung-Nam. CLB văn nghệ Hải Đăng còn chủ trương phục hồi chất cổ- dân tộc- các làn điệu dân ca, ca khúc mới, khuyến khích các tiết mục tự biên tự diễn, sáng tác ca khúc viết về Bà Rịa-Vũng Tàu, phổ thơ thành nhạc…
 
Cứ vào thứ tư hàng tuần, các thành viên trong CLB văn nghệ Hải Đăng lại có buổi sinh hoạt tại hội trường UBND phường 2. Chủ nhiệm CLB cho biết, ngoài những buổi sinh hoạt định kỳ hàng tuần, CLB còn tổ chức sinh hoạt, tập dợt cả ngày lẫn đêm mỗi khi có chương trình biểu diễn văn nghệ quần chúng hay chương trình văn nghệ dành cho người cao tuổi… Các thành viên của CLB đã tham gia rất nhiệt tình, không quản ngại khó khăn, thời gian. Ngoài những buổi sinh hoạt văn nghệ, CLB còn có nhiều chương trình thăm hỏi gia đình hội viên trong CLB, thăm các đơn vị bộ đội, biên phòng, người già, ốm đau…
 
Cho đến nay, sau gần 15 năm thành lập, CLB Hải Đăng tham gia và đạt nhiều giải cao tại các hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan tiếng hát người cao tuổi tỉnh và khu vực miền Đông Nam Bộ, tích cực tham gia những chương trình do Trung tâm Văn hóa – Thông tin - Thể thao TP. Vũng Tàu tổ chức… Ngoài ra, CLB còn thi đua sáng tác ca khúc với nhiều tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, gần gũi với quê hương đất nước.
 
CLB Giai điệu quê hương ban đầu chỉ có 10 thành viên nhưng người này đã mách nhỏ cho người khác, cứ thế các cụ dắt tay nhau đến với CLB Giai điệu quê hương để sinh hoạt. Đến nay, CLB đã có gần 30 hội viên, có những người chỉ mới xấp xỉ 50 tuổi và cũng có những cụ đã đến cái tuổi “bảy mươi xưa nay hiếm”. Mặc dù tuổi đã cao nhưng khi tham gia vào các CLB văn nghệ các cụ vẫn say sưa cất cao lời ca yêu đời như thời tuổi trẻ, những “giọng ca vàng” một thuở, những điệu múa bay bổng giờ đây vẫn cuốn hút lòng người. Mỗi tuần, các thành viên trong CLB lại tập hợp nhau để tập luyện. Nhưng chuẩn bị cho các chương trình nghệ thuật lớn như Hội diễn Nghệ thuật quần chúng, Liên hoan tiếng hát người cao tuổi… thì thời gian tập luyện có khi phải kéo dài 2-3 tháng liền.
 
Một tiết mục biểu diễn của CLB Giai điệu quê hương.
 
Vượt qua rất nhiều hạn chế như tuổi tác, độ dẻo, trí nhớ, tư duy... các cụ trong CLB nhịp thời gian vẫn tập luyện hăng say để có những tác phẩm múa đẹp. Mỗi lần các cụ biểu diễn, con cháu cũng đến để cổ vũ, tặng hoa… Để tham gia CLB các cụ trong CLB phải sắp xếp thời gian, ban ngày tranh thủ làm mọi việc nhà, giúp con giữ cháu để buổi tối tranh thủ đến trung tâm tập múa. Nếu được xem một chương trình biểu diễn của CLB múa Nhịp thời gian, ít ai nghĩ rằng, các thành viên trong CLB tuổi đã ngoài 50, thậm chí có cụ đã hơn 70 tuổi. Nhưng khi xuất hiện trên sân khấu, có khi các cụ “cháy” hết mình với những vũ điệu của “Tiếng sáo trên nương”, khi thì vào vai những người bộ đội, những cô gái Tây Nguyên vui với “Tiếng chày trên Soóc – Bombo”, có khi lại hóa thân thành những cô gái quan họ với nón quai thao, khăn mỏ quạ…
 
Không chỉ CLB múa Nhịp thời gian, các CLB thành lập lâu năm như CLB Hải Đăng, CLB Giai điệu quê hương vẫn hoạt động rất... sung. Dù trong số hơn 20 hội viên Giai điệu quê hương có người đã có đầy đủ cháu nội, cháu ngoại; dù có những cụ hằng ngày vẫn vất vả chuyện mưu sinh nhưng đến ngày sinh hoạt họ lại “quẵng gánh lo”, thu xếp mọi việc để đến với CLB bằng trái tim, bằng tình yêu nghệ thuật. Cô Phạm Thị Hoài Thu chia sẻ: “Khi còn công tác ở Bộ đội biên phòng tỉnh, tôi đã từng là cộng tác viên cho CLB Giai điệu quê hương. Đến năm 2005, nghỉ hưu thì về đầu quân cho CLB. Dù nhà hơi xa (phường Rạch Dừa) nhưng đam mê ca hát lắm nên không buổi nào vắng mặt”.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.