An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Nhức nhối game online
08:25 | 27/07/2014 Print   E-mail    

 

 

Game online là một trò giải trí được nhiều người yêu thích, mang về doanh thu lớn cho đất nước. Tuy nhiên, với những người không biết điểm dừng thì game online cũng như “liều thuốc phiện” khiến nhiều người mắc sai lầm. Đặc biệt, game online còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý các em ở lứa tuổi học sinh.

TỰ DO TRONG “THẾ GIỚI ẢO”
 
Một buổi tối trong tuần, chúng tôi có mặt tại một tiệm Internet trên đường Bacu – TP. Vũng Tàu. Đã 22 giờ nhưng hai hàng máy vi tính với khoảng 20 màn hình LCD 32inch và các game thủ thi nhau “đồ sát” trong thế giới ảo. Các game thủ có thể sát phạt 24/24h trong căn phòng máy lạnh, ghế tựa rất sang trọng thậm chí có cả đồ ăn uống. Nhiều khách hàng chủ yếu các em học sinh vẫn đang say sưa với những màn bắt giết nhau qua thế giới ảo. Mắt không rời màn hình, hai tay bấm lia lịa, headphone áp sát vào tai, mọi thứ xung quanh dường như không đáng quan tâm với những ai đã chìm vào trong thế giới ảo của game online.
 
Nhiều bạn trẻ say sưa "cày" game tại một tiệm Internet trên đường Trương Công Định, TP. Vũng Tàu.
 
Cũng giống như vậy, các tiệm Internet trên đường Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Lai, Trần Đồng … đối tượng khách hàng chủ yếu vẫn là các em học sinh bậc THCS, THPT, thậm chí có cả những học sinh tiểu học. Hầu hết các em đều chơi game, chứ không tìm kiếm thông tin hay lướt web, phục vụ cho việc học tập. Không ít em học sinh còn mang nguyên cặp sách đi học thêm nhưng vẫn say sưa “cày xới” trong thế giới game online với các game như Đặc nhiệm anh hùng, Đột kích, Biệt đội thần tốc thể hiện cảm giác thoả mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; các game như Tinh võ, Thế giới bá vương thể hiện cảnh đâm chém, đấm đá tàn bạo.
 
Trong khi các trò chơi bạo lực đều hạn chế trẻ em dưới 18 tuổi, nhưng từ chủ tiệm Internet đến khách hàng, chẳng ai quan tâm đến điều đó. Anh Dương Anh Tuấn, một game thủ cho biết, thật đơn giản để vào vai, người chơi chỉ cần tạo một tài khoản, đăng nhập, tạo phòng và đợi đủ số người là cuộc chơi bắt đầu. Được trang bị súng, lựu đạn, dao găm, game mang đến cho người chơi cảm giác như mình là một quân nhân chuyên nghiệp. Với trò chơi này, người chơi chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: tiêu diệt toàn bộ đối phương, càng nhiều càng tốt. “Đặc biệt khi chơi, các game thủ có thể kiếm ra tiền bằng cách bán tài khoản hay bán đạo cụ và nhân vật trong game. Hơn nữa trong thế giới game, người chơi có cảm giác tự do: tự do mua sắm, tự do bắn phá... Đó chính là những yếu tố kích thích có sức lôi cuốn đặc biệt đối với em. Một giờ chơi game chỉ vài nghìn đồng nhưng muốn trở thành cao thủ trong thế giới game thì phải bỏ ra một thời gian khá dài để luyện công” - một cô bé trạc tuổi 15 ngồi cạnh tôi tỏ vẻ rành rẽ.
 

Game online mới xâm nhập vào nước ta khoảng 3, 4 năm trở lại đây nhưng nó đã gây nên những hiệu ứng không tốt đối với xã hội. Theo thống kê, trong số các trò chơi qua mạng thì 77% là bạo lực; 9% là cờ bạc; 14% là bóng đá; múa và đua xe.

Không chỉ có những trò chơi bắn phá, đâm chém nhau, một số em cũng tỏ ra lão luyện với các game có nội dung không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi học sinh. Trong một số trò chơi, game thủ được hoá thân vào một nhân vật nam trong suốt cuộc hành trình nhân vật có thể hãm hiếp hay làm tình với bất kì cô gái nào gặp trên đường, bằng những hành vi rất thô tục. Trường hợp game GTA là một cơn sốt khác, người chơi sắm vai một gã xã hội đen và ngang nhiên làm những việc mình thích để hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Cướp giật, đánh cảnh sát, giết người và cả làm “chuyện ấy” đều xuất hiện trong game.
 
NGOÀI TẦM KIỂM SOÁT
 
Để nắm rõ hơn thực trạng hoạt động game online tại các dịch vụ Internet công cộng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã tìm đến cơ quan quản lý là Sở Thông tin – Truyền thông. Bà Phạm Thị Thùy Dương, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 782 đơn vị kinh doanh dịch vụ Internet công cộng. Hàng năm Sở Thông tin – Truyền thông đều tiến hành thanh tra, kiểm tra nhưng những trường hợp vi phạm phổ biến là hoạt động quá giờ quy định, không trang bị phương tiện PCCC, hoặc có nhưng không đầy đủ… Với các tổ chức nước ngoài, sự phân loại độ tuổi có thể sử dụng các trò chơi trên mạng khá đa dạng: game dành cho mọi người; game dành cho người từ 10-17 tuổi, và game dành cho người trưởng thành (18 tuổi trở lên). Nhưng hiện nay nhiều dịch vụ Internet công cộng đã không thực hiện việc quản lý độ tuổi của các em khi vào chơi game.
 
Game online có thể mang đến cho người chơi những cảm giác tự do, thư giản, thoải mái. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, chính những trò chơi bạo lực, gợi dục như thế đã ảnh hưởng xấu đến hành vi, tính cách của các em, và tác động theo kiểu dây chuyền, lan nhanh theo cấp số nhân. Không ít học sinh vì nghiện game, sẵn sàng bỏ học, thậm chí ngỗ ngược đến mức sẵn sàng đánh cả bố mẹ khi không cho em đi chơi game. Thầy Đỗ Hoàng Thiên Bảo, Tổng phụ trách Đội trường THCS Vũng Tàu cho biết: “Tôi đã từng chứng kiến một học sinh nữ nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, chỉ vì một lần chơi game Audition mà “nghiện” không dứt ra được. Từ đó, em thường xuyên cúp học và lấy tiền của ba mẹ để “nướng” vào các tiệm Internet. Sau này, em đã khóc và nói rằng đó là ân hận lớn nhất trong cuộc đời của em ấy”. Đó là chưa kể một số trường hợp bị nhiễm từ những trò chém giết, hãm hiếp trong thế giới ảo, nhiều game thủ đã trở thành sát thủ ngoài đời. Thầy Bảo cho rằng, ở lứa tuổi học sinh THCS, THPT đang trong giai đoạn có sự thay đổi lớn về tâm - sinh lý nên sự quan tâm, giáo dục đúng hướng là tối cần thiết để định hình thế giới quan và nhân sinh quan, là cơ sở tạo nên lối hành xử của các em sau này. Các trường học cũng cần phải tổ chức nhiều phong trào Đoàn, Đội để các em tham gia, giảm bớt thời gian chơi game.
 
Về phía các phụ huynh cũng cần quan tâm nhiều hơn để các em không mắc phải những sai lầm không đáng có.
 
Bài, ảnh:  Hoa Hạ
BBT.