An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Lớp học nhạc đặc biệt.
12:23 | 15/11/2013 Print   E-mail    

 
LỚP HỌC NHẠC ĐẶC BIỆT
--------------
Thầy giáo và cô giáo là nghệ sĩ chuyên nghiệp của Đoàn ca múa nhạc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, học vịên là những cán bộ về hưu, làm nghề bảo vệ, chăn nuôi, trồng trọt…
 
                Như đã hẹn, tôi đến lớp học nhạc của thầy Nguyễn Văn Hoàn, Đội trưởng đội nhạc kiêm chủ tịch công đoàn cơ sở Đoàn ca múa nhạc và cô Phạm Thị Minh Chính, nghệ sĩ Ưu tú Đoàn ca múa nhạc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tại 17/38. Ngô Đức Kế, phường 7, thành phố Vũng Tàu.
 
                Mới đến đầu con hẻm đã nghe âm thanh của những nhạc cụ hòa quyện vào nhau làm cho bước chân tôi dường như nhanh hơn. Trong tôi rung lên một cảm xúc lạ kỳ…Ra mở cửa đón tôi là cô giáo Minh Chính và chị chủ nhà Kim Xinh. Vừa bước vào tôi hết sức ngạc nhiên bởi lớp học chỉ toàn những người lớn tuổi từ 50 đến 67 tuổi, các bác, các anh, các chị đang say sưa, miệt mài với từng nốt nhạc. Có một điều đáng nói trong lớp học này là có nhiều cặp vợ chồng cùng dìu dắt nhau đi học: Ngoài vợ chồng anh Tạ Xuân Khu-Chị Tạ Thị Xinh biết chút ít về nhạc còn lại đa số chưa ai biết một nốt nhạc. Riêng vợ chồng anh Nguyễn Văn Đoan và chị Phạm Thị Kim Xinh lại có nhiều kỷ niệm, chị Xinh kể cho tôi nghe về những buổi đầu đi học của anh chị “chị say mê đàn tranh, hàng ngày anh chở chi đi học, đón vợ về…những lúc ngồi chờ đón vợ anh nghe tiếng đàn réo rắt từ trong vọng ra, không biết trái tim anh đập rộn ràng vì tiếng đàn của chị hay vì tình yêu âm nhạc mà anh về mua ngay một chiếc đàn rồi cùng vợ đi học” .Ngoài ra còn có 2 căp vợ chồng khác như: anh Nguyễn Hữu Luân-chị Nguyễn Thị Hoa, anh Khổng Văn Hòe-chị Ngô Thị Quang cũng cùng chung một tình yêu âm nhạc, trong lớp học có những người đã về hưu nhưng vẫn xin đi làm bảo vệ như anh Vinh. Cô Minh Chính còn cho tôi biết trong lớp học của cô ở nhà còn có cụ già 73 tuổi… Tất cả đã tìm đến lớp học như một liều thuốc bổ tinh thần không thể thiếu, như hơi thở và nhịp đập con tim…Có người lúc đầu tự mày mò học từng nốt nhạc trên mạng như anh Xuân, anh Hạnh, nhưng đến nay anh đã có thể sử dụng thành thạo đàn bầu và đàn nhị.
 
                 Trong lớp học có đầy đủ các loại nhạc cụ như: bộ gõ, trống, sáo, đàn tranh, bầu, nguyệt, nhị, tam thập lục, măngđôluyn… Tôi hết sức ngạc nhiên và hỏi: làm sao thầy cô có thể dạy chừng ấy nhạc cụ cùng một lúc cho mọi người đựơc? Cô Minh Chính trả lời “lớp học toàn những người lớn tuổi, do đó học viên tiếp thu chậm, mình phải tìm một phương pháp dạy phù hợp cho từng người, cho từng loại nhạc cụ”. Để nhận biết nốt nhạc trên đàn, với trẻ thầy cô chỉ cần chỉ một đến hai lần nhưng với học viên lớp này phải cần đến mười lần. Thầy Nguyễn Văn Hoàn còn cho biết tính năng của từng loại nhạc cụ khác nhau nên khi tập thầy phải soạn lại bài đúng với tông, gam của mỗi nhạc cụ làm sao khi trình làng một tác phẩm nghệ thuật các nhạc cụ phải hòa với nhau. Yêu cầu này rất khó không chỉ với các học viên mà còn với cả thầy cô.
 
                    Nói về nguồn kinh phí để duy trì lớp học, anh Tạ Xuân Khu lớp trưởng cho biết :mỗi người tự bỏ tiền mua đàn giá từ 5 triệu đến 2 chục triệu; Trang phục đi biểu diễn của ai người đó mua, mỗi người bỏ ra hàng chục triệu để tự sắm quần áo, đạo cụ cho mình; Qũy lớp mỗi tháng mỗi người đóng 1 trăm. Trước đây lớp học chỉ có 7 người nhưng nay đã lên tới 20 người. Địa điểm lớp học duy trì cho đến hôm nay là căn nhà 17/38 ,Ngô Đức Kế, P7, TP.Vũng tàu của vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Đoan và Phạm Thị Kim Xinh.
 
 
                   Ngoài những buổi học trên lớp, các học viên còn được thầy Văn Hoàn và cô Minh Chính tổ chức các buổi giao lưu với các câu lạc bộ, biểu diễn phục vụ các hội nghị, lễ tết; Tham gia các đợt hội diễn của phường và thành phố tổ chức đạt nhiều giải cao; Đặc biệt trong đợt giao lưu về biển đảo và Trường sa vào tết 2013 tại nhà văn hóa thanh niên chương trình của lớp đã để lại nhiều tình cảm và dấu ấn khó phai trong lòng khán giả.
 
                       Dự định và ước mong của thầy và trò ở lớp học đặc biệt này là làm sao thành lập được một câu lạc bộ trực thuộc thành phố để có điều kiện, thuận lợi hơn trong mọi hoạt đông và phục vụ biểu diễn; Ước mong đó vô cùng chính đáng bởi lớp học nhạc đặc biệt này không chỉ đem đến cho thầy và trò tình yêu, say mê âm nhạc, niềm vui, niềm hạnh phúc mà nó còn có một ý nghĩa hết sức lớn lao là bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc Việt nam.
 
Bài, ảnh: Hoàng Yến
BBT.