An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Khoảng cách mong manh.
06:40 | 23/11/2013 Print   E-mail    

 

Từ trắng thành đen, từ tốt thành xấu, mặc dù là hai khía cạnh hoàn toàn trái ngược nhau nhưng khoảng cách của chúng lại rất mong manh.
 
 
 Tôi có một người bạn, cậu phục vụ trong ngành công an nhân dân, và nhiều năm liền cậu đều đạt danh hiệu thi đua tiên tiến, nhận được nhiều giấy khen của đơn vị, cậu đã được kết nạp Đảng, tương lai của cậu rất tươi sáng. Nhưng thật không ngờ ngày hôm nay tôi gặp cậu không phải với tư cách là đồng đội đồng chí gặp nhau mà lại là với tư cách người thân tới thăm nuôi phạm nhân. Cũng chẳng ai có thể ngờ được, người bạn của tôi ngày mới vào ngành cậu từng mơ ước sẽ phục vụ hết mình vì một xã hội trong sạch, không có tội phạm mà giờ đây chính cậu lại là kẻ phạm tội. Gia đình của cậu không phải giàu nhưng cũng không thiếu thốn, là một gia đình trung lưu, có nề nếp gia giáo, bố mẹ đều là công chức nhà nước, cậu được giáo dục rất tốt, một người có hoàn cảnh như cậu thì ai có thể nghĩ rằng cậu sẽ phạm tội chứ. Đúng là chẳng ai biết được chữ “ ngờ”, một con người trong sáng, gương mẫu như vậy lại vẫn không thể tránh khỏi sự cám dỗ. Những thời gian đầu cậu đều cố gắng hết mình để phục nhân dân, phục vụ xã hội, quyết tâm với tư tưởng của mình. Khi đã có được chút điều kiện tốt cậu muốn được “vui chơi” để cho biết, để được bằng người, để không bị thụt lùi trong xã hội này, để không bị người khác cho là “hai lúa”. Những cuộc ăn nhậu, những buổi đi hát kraoke thâu đêm, rồi những ngày đi bar suốt sáng, cậu dần bị cuốn vào vòng xoáy, cậu bắt đầu quen với những cô gái có chút nhan sắc, cậu thay người yêu như thay áo, cậu cho rằng như vậy là hay, như vậy là “đẳng cấp”, con người cậu đã hoàn toàn thay đổi, dường như cậu đã quên mất cái lý tưởng trong sáng của mình. Cái vòng xoáy đó cứ càng ngày càng cuốn sâu lấy cậu, cậu tham gia chơi cờ bạc, chơi cá độ. Những cuộc ăn chơi, những cuộc cờ bạc cá độ như vậy thì bao nhiêu tiền cho đủ, mà tiền lương của cậu thì có hạn. Không có tiền cậu đi vay mượn bạn bè, hết vay mượn được bạn bè cậu đi vay nặng lãi. Rốt cuộc chuyện gì đến cũng đến, khi mà trong tay không có tiền, khi mà đang ôm một số nợ lớn không có cách gì chi trả được, cái lý trí của cậu đắm chìm vào trong bóng tối, cậu chỉ biết là phải làm sao có được tiền nhanh nhất. Không có cách gì để có được tiền nhanh nhất ngoài chuyện làm phạm pháp.
 
Cậu đã phạm tội….
 
Lúc đầu cậu lấy trộm đồ có giá trị của bạn bè, sau này do bạn bè nghi ngờ hay mọi người đã cẩn thận hơn, không còn lấy trộm được, túng quẫn cậu nhắm mắt lao vào con đường cái chết trắng - cậu bán ma túy. Những phi vụ đầu thành công trót lọt, cậu có tiền, cậu trả nợ rồi cậu lại ăn chơi. Tưởng đâu khi cậu trả được nợ rồi thì cậu sẽ ngừng lại, sẽ quay đầu lại là bờ nhưng ngờ đâu sự cám dỗ quá lớn cậu cứ thế cứ thế chìm sâu vào vòng xoáy tội lỗi. Rồi… cậu bị bắt khi đang bán ma túy cho con nghiện và bị kết án 7 năm tù giam. Cậu bị tước quân tịch, bị khai trừ khỏi Đảng và rồi mất luôn cả cái quyền công dân.
 
           Ngồi đối diện với cậu, tôi chợt rùng mình nhớ đến những bài báo đã đưa tin về những vụ việc quan liêu tham nhũng của một bộ phận nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất trong chính quyền của nước ta hiện nay. Rồi những vụ việc đau đớn mất nhân tính, bất nhân, bất nghĩa, bất hiếu trong xã hội như: con lấy cắp tài sản của mẹ đẻ, anh trai giết em, vợ giết chồng, bạn bè hại nhau…. Tất cả những việc đó, cứ nhìn sâu về quá khứ họ đều là người tốt, đều trong sạch, liêm khiết, đều sống với nhau tình nghĩa, nhưng những vòng xoáy tội lỗi, những cám dỗ cuộc đời đã biến họ thành những con quỷ xấu xa.
 
Trước mặt tôi cậu đang khóc, khóc như một đứa con nít, cậu nhận ra mình đã sai, đã sai thật nhiều, chính cậu đã phá nát tương lai tươi đẹp của cậu, cậu hối hận, cậu ước thời gian có quay trở lại, cậu sẽ tránh xa cái vòng xoáy đó, với lòng quyết tâm, sự kiên định cậu sẽ thực hiện cái lý tưởng cao đẹp của mình đến cùng. Tôi tin nếu thời gian có quay trở lại cậu chắc chắn sẽ làm được điều đó, nhưng sự thật thời gian đâu có thể quay trở lại, giờ đây cậu đang phải trả giá cho tội lỗi của mình đã gây ra.
 
Giờ thăm gặp đã hết, nhìn bóng lưng cậu khuất dần sau cánh cửa trại giam, mới hôm ấy chúng tôi vẫn còn là đồng đội, ngày hôm nay hai đứa hai phương trời. Đằng sau song sắt có lẽ cậu đã nhận ra được nhiều điều, có lẽ cậu đã nhận ra được đâu là đúng, đâu là sai, tôi nghĩ tương lai chắc chắn cậu sẽ làm lại được cuộc đời, trở thành một công dân tốt cho xã hội, thành một thành viên tốt của gia đình.
 
Bước chân nặng trĩu ra về nhìn những bóng hình lam lũ, trên mặt lấm tấm mồ hôi nhưng đôi môi vẫn luôn nở nụ cười, tôi chợt nhớ tới hình ảnh một bà lão bán vé số với tấm lòng lương thiện trong sáng. Tôi gặp bà cụ khi thấy bà đang vội vã đi trên đường, gặp người là bà lại hỏi tới trụ sở công an gần nhất. Không rõ lý do nhưng tôi cũng chở bà đến công an phường gần đó. Đến nơi tôi mới biết, bà nhặt được một bọc tiền không biết của ai đánh rơi, bà muốn gửi trả lại người bị mất, số tiền ấy rất lớn. Cũng may người bị mất cũng đang có mặt trình báo ở cơ quan công an này, nhìn vẻ mặt mừng rỡ của người bị mất khi nhận lại được số tiền đó bà cũng thấy mừng lây một nụ cười nhân ái. Người ta muốn hậu tạ bà nhưng bà kiên quyết không nhận. Tôi có hỏi chuyện bà, bà bảo: “…..cái gì của mình thì nó là của mình, cái gì không phải là của mình thì mình không lên lấy. Một chiếc áo cũ sờn vai nhưng là của mình còn quý hơn một chiếc áo gấm nhung lụa nhưng là chiếm đoạt của người khác. Nghèo cho sạch, rách cho thơm cậu ạ”.
 
            Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” thì chẳng có tội lỗi nào cám dỗ được chúng ta. Sống trong sáng, “ nghèo cho sạch, rách cho thơm” với ý chí kiên định thì tôi nghĩ dù “ khoảng cách” đó có mong manh tới đâu nhưng đó là một khoảng cách vững chắc, bền bỉ không gì có thể phá vỡ được.
                                                                                                                                                  Bài:ảnh: Thiên Thu
BBT.