Chuyên đề Chuyên đề
Học tập và làm theo gương Bác trong phong trào Tết trồng cây mỗi dịp xuân về
08:44 | 09/01/2017 Print   E-mail    

 

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, trong không khí rộn ràng, phấn khởi những ngày đầu năm mới, nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc lại nhớ tới lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ lời kêu gọi của Người năm xưa ấy, đến nay, Tết trồng cây đã trở thành một phong trào, một truyền thống tốt đẹp của cả đất nước, cả dân tộc Việt Nam.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến mọi mặt của đời sống xã hội. Người cũng rất quan tâm đến môi trường và hiểu được ý nghĩa thiết thực của môi trường sống. Bác đã động viên toàn thể quần chúng nhân dân tích cực trồng cây làm cho đất nước thêm xanh, sạch, đẹp. Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây”, đăng trên báo Nhân dân với bút danh Trần Lực, kêu gọi mọi người, mọi nhà, mọi đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” trong cả nước, trở thành một phong tục đẹp, thành một hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Kết quả hình ảnh cho Hình ảnh bác Hồ trồng cây

Hình tư liệu 

Trong tư tưởng chỉ đạo của Bác, việc trồng cây gây rừng phải được coi trọng trên tất cả các vùng, miền, từ miền núi, trung du đến đồng bằng, ven biển. Bác từng nói: "Việc trồng cây không phải chỉ ở trên đồi trọc. Ở đồng bằng, trong làng không có cây cũng chết. Nước ta ở vùng nhiệt đới, nhiều giông bão, mỗi làng phải là một rừng cây, rừng tre. Nhiều làng là cả một cánh rừng tầng tầng, lớp lớp thì sức gió, sự tàn phá của bão giảm đi nhiều, đỡ bao nhiêu thiệt hại. Và đường phố, bờ biển, bãi cát cũng phải có cây". Kêu gọi toàn dân tham gia trồng cây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là người thực hiện trước. Ngày 11-1-1960, Người đã đến trồng cây Doi tại Công viên Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với nhân dân và cán bộ tham gia lao động, Người căn dặn phải trông nom, chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Bác nhắc nhở nhân dân thực hiện Tết trồng cây và tham gia trồng cây cùng với nhân dân. Người luôn biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng cây tốt và nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức “Tết trồng cây”. Người đặc biệt lưu ý phải liên hệ chặt chẽ “Tết trồng cây” với kế hoạch trồng cây gây rừng, “trồng cây nào, chắc cây ấy”. Người còn lưu ý: “Có nơi nhầm cho rằng Tết trồng cây chỉ một đợt và một năm thôi; chứ không hiểu rằng Tết trồng cây cũng là một kế hoạch kinh tế lâu dài và liên tục…”, “Sở dĩ Tết trồng cây đã trở nên một phong trào quần chúng mạnh mẽ, là vì mọi người đều thấy lợi ích thiết thực và lâu dài của nó”.

Quan điểm trồng cây và những cây Bác Hồ trồng đã để lại cho chúng ta bài học quý báu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay nhân loại đang đối diện với rất nhiều vấn đề bức xúc về môi trường. Sự phát triển kinh tế càng nhanh thì càng kéo theo hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường sống, các đô thị đang bị ô nhiễm, ngột ngạt vì khói bụi, đe dọa sức khỏe và chất lượng sống của con người. Nhiều khu công nghiệp với hàng trăm hàng nghìn nhà máy đang xả chất thải sản xuất trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước và đất đai. Nạn chặt phá rừng, buôn bán gỗ lậu, khai thác tài nguyên, khoáng sản diễn ra ngày càng tinh vi trên khắp các cánh rừng gây ra nhiều hậu quả nặng nề như làm gia tăng nhiệt độ trái đất kéo theo lũ lụt, sạt lở đất… Rõ ràng sự ô nhiễm môi trường do con người gây ra lại đang ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của chúng ta. Thực trạng đáng buồn trên khiến chúng ta càng nhớ tới phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động cách đây hơn nửa thế kỷ với mục đích vừa góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người.

Học tập và làm theo gương Bác, đến hôm nay, phong trào Tết trồng cây của Bác Hồ đã trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Mọi người đều hăng say, đầy trách nhiệm và tự hào khi thấy công sức của mình đã góp phần tạo ra được nhiều thế hệ cây xanh cho đất nước. Những thế hệ cây xanh được trồng từ những năm đầu của phong trào nay đã trở thành những cây cổ thụ xum xuê trên các đường phố huyện thị, bản làng, góp phần tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho đất nước. Những cây đa, cây si năm xưa Bác tự tay trồng khi đến thăm một địa danh nào đó, thì nay đã xum xuê rợp mát, trở thành những di tích lịch sử văn hóa.

Hôm nay, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa, đất trời đã bước vào nhiều mùa xuân mới. Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ qua nhiều đời. Từ lời Người dạy, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã và đang đạt được những thành tựu to lớn, điều đó nói lên sự nổ lực tích cực của toàn dân ta trên mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội; trong đó có sự đóng góp tích cực của công tác bảo vệ môi trường. Để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, việc nghiên cứu, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ giúp chúng ta có thêm cơ sở khoa học đúng đắn để tổ chức thực hiện sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngày càng vững bước trong hội nhập và phát triển, đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như niềm mong mỏi của Bác./.

Bài: Lê Ngân, BBT