Liên Kết Website Liên Kết Website
Giáo dục - Đào tạo Giáo dục - Đào tạo
Vấn đề hướng nghiệp cho học sinh khối 12 cần tránh tình trạng thừa thầy thiếu nợ.
07:57 | 09/05/2014 Print   E-mail    

 

 
Mùa tuyển sinh Đại học năm 2014 đang đến gần, hiện nay các em học sinh khối 12, nhà trường, gia đình và xã hội đang đứng trước sự băn khoăn không biết nên cho con em mình thi vào ngành nghề nào để sau khi ra trường có thể kiếm được cơ hội việc làm dễ dàng hơn. Ai cũng biết rằng tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta cũng như Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở mức cao trong đó không ít những cử nhân, kỹ sư, thậm chí có cả thạc sỹ đã và đang làm trái với ngành nghề mình học hoặc không có việc làm. Chính vì thế công tác hướng nghiệp cho học sinh trước mỗi kỳ thi tuyển sinh Đại học là rất cần thiết trong công tác giáo dục hiện nay.
 
( Rất cần những người thợ như thế này)
 
Có thể thấy hiện nay công tác hướng nghiệp trong các trường phổ thông còn nhiều bất cập, không theo kịp nhu cầu thực tế và còn nặng việc hướng học sinh học làm “thầy” nhiều hơn học để trở thành thợ giỏi. Bệnh thành tích cũng góp phần làm trầm trọng thêm tâm lý khoa cử. Hiện nay, ngoài việc buông lỏng công tác tư vấn, hướng dẫn học sinh vào các trường nghề, các cơ sở giáo dục sau một kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng có nhiệm vụ phải báo cáo về sở số lượng học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng của trường mình và coi đó như là một thành tích.
 
Theo Ông Nguyễn Bá Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội – Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trong năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên là 4,25%, tăng 1,7 lần, nghĩa là có thêm 72.000 lao động thuộc nhóm này bị thất nghiệp so với số thất nghiệp ở quý IV-2012.
 
Để phần nào khắc phục tình trạng trên theo tôi: Thứ nhất, ngành giáo dục nên phân luồng học sinh ngay từ đầu cấp trung học cơ sở bằng chương trình học phù hợp để chuẩn bị tâm lý cho các em bước vào trường nghề chứ không phải mang mặc cảm là học sinh cá biệt, yếu kém nên bị đẩy đi học nghề. Từ đó, sẽ giúp cho các trường nghề hoạt động có thực chất hơn; Thứ hai, ngành giáo dục không nên quá cổ xúy những thành tích về số lượng học sinh đậu đại học, cao đẳng mà bỏ quên một bộ phận học sinh cũng cần vào các trường nghề. Thử nghĩ, nếu tất cả học sinh đều tốt nghiệp đại học rồi làm “thầy” thì lấy đâu ra các công nhân kỹ thuật lành nghề để phát triển các lĩnh vực công nghiệp; Thứ ba, để xóa bỏ tâm lý khoa cử, các trường nghề không nên kèm theo bậc đào tạo và phải có bậc lương xứng đáng sau khi ra trường.
 
Hiện nay, các trường đại học mọc lên như nấm, phần lớn mở trường vì lợi nhuận trước mắt, coi thường chất lượng nên không đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên cơ hữu tương ứng với quy mô đào tạo. Đã thế, còn có hệ cao đẳng, trung cấp trong trường đại học để rồi dễ dàng liên thông lên đại học. Nhiều trường tìm mọi cách để làm sao có đông sinh viên nên bỏ qua chất lượng. Chương trình đào tạo chưa rõ ràng; không thiết kế chuẩn đầu ra như chương trình; môn học như thế nào, dạy ra sao, bao nhiêu phần lý thuyết, bao nhiêu phần thực hành?
 
Nhiều học sinh cũng chưa hiểu hết được lợi ích của việc học nghề. Các em cứ nghĩ rằng, nhiều sinh viên trường đại học, cao đẳng chính quy còn thất nghiệp huống chi là trường nghề, trong khi nhu cầu nhân lực của các công ty, doanh nghiệp hiện nay là rất lớn. Có khi, sinh viên trường nghề còn có cơ hội việc làm cao hơn nhiều so với các sinh viên chính quy khác. Đó là một thực tế, nhưng cũng là một minh chứng cho thấy sinh viên đó chưa giỏi về kỹ năng nghề nghiệp. Tôi có được biết một số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hay kế toán, ngân hàng…do không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn của mình nên phải đi làm trái ngành nghề mình đã học như tiếp thị, phục vụ quán ăn, công nhân lao động phổ thông để tránh tình trạng thất nghiệp…
 
Rõ ràng trong xã hội, nếu ai cũng muốn làm thầy thì lấy ai làm thợ ? Trong khi đó, trên thực tế bất cứ xã hội nào dù văn minh đến mấy cũng rất cần một lực lượng đông đảo những người thợ chế tạo, điều khiển máy móc, dịch vụ, những người nông dân trực tiếp làm ra lương thực, thực phẩm... Một xã hội quá coi trọng bằng cấp, càng học hành đỗ đạt cao càng dễ thăng quan tiến chức, ắt sẽ xuất hiện ngày càng nhiều thạc sĩ, tiến sĩ “giấy”, thậm chí dễ dẫn đến tình trạng thầy không ra thầy, mà thợ cũng không ra thợ. Một xã hội ai cũng có thể dễ dàng vào đại học, dễ dàng tốt nghiệp đại học thì tội gì không học ? Việc cho mở quá nhiều trường đại học ở khắp các tỉnh thành chính là nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều cử nhân, thạc sĩ đang phải đi làm công nhân.
 
Trên đây là thực trạng việc làm những năm gần đây của nước ta. Để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” này cũng như sự phân bổ không đồng đều nguồn nhân lực, thất nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn của nước ta trong những năm sắp tới thì cần có một chiến lược cấp bách, bền bỉ của ngành giáo dục, gia đình và toàn xã hội trong đó công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là một trong những bước quan trọng./.
 
Bài, ảnh: Lê Ngân
BBT.
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu