Liên Kết Website Liên Kết Website
Thể dục - Thể thao Thể dục - Thể thao
Bác Hồ - Người gieo trồngnhững hạt giống cho tương lai
08:10 | 17/05/2015 Print   E-mail    

                                               Bác Hồ với các học sinh miền Nam trên đất Bắc
 
Giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ở cả hai miền trong giai đoạn hết sức quyết liệt, miền Nam đang nằm dưới ách áp bức, kìm kẹp, dã man của chính quyền Mỹ - Ngụy, miền Bắc cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt. Toàn Đảng, toàn quân và dân ta đang gồng mình chịu đựng và kiên quyết chống trả để bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bác Hồ - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, trong lúc bận trăm công nghìn việc chỉ đạo cuộc kháng chiến, với tầm nhìn xa trông rộng Người đã đề ra chủ trương xây dựng mô hình “Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc” nhằm gây mầm  những “hạt giống đỏ” cho cách mạng miền Nam, đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước sau này.
 
Thực hiện chủ trương đó trong những thập niên 50. 60 của thế kỷ trước hàng chục ngàn học sinh miền Nam được đưa ra đất Bắc để học tập. Nhân dân miền Bắc vào những năm 1955 - 60 còn rất khó khăn, bà con không đủ cơm ăn, áo mặc, nhưng vẫn lo cho học sinh miền Nam ăn uống đầy đủ. Nhiều gia đình còn bớt cơm của con mình dành cho học sinh miền Nam. Mùa đông giá rét như cắt, thấy học sinh miền Nam không có áo ấm, nhiều người sẵn sàng nhường chiếc áo ấm duy nhất của mình cho các em mặc; buổi tối còn nấu nước cho các em tắm. Những năm tháng chiến tranh, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, việc học tập của học sinh miền Nam gặp nhiều khó khăn. Chỉ có tấm lòng của đồng bào miền Bắc chở che, đùm bọc, thì việc học tập của học sinh miền Nam mới không bị dở dang. Nhiều thời điểm địch bắn phá dữ dội, học sinh không được học trong trường chính mà phải sơ tán để học và ở lẫn trong dân. Mặc dầu đời sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng khi có học sinh miền Nam ở trong nhà thì các gia đình luôn nhường giường ngủ, chăm lo ăn uống chu đáo cho các em.
 
Các thầy cô giáo miền Bắc coi mỗi ngôi “Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc” là một đại gia đình, nên các thầy giáo, cô luôn coi khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh miền Nam thân yêu” như mệnh lệnh của trái tim. Không kể đêm ngày, đông về giá rét hay ngày hè nóng nực, các thầy cô đều hết mình chăm lo cho các em được ăn no, mặc ấm, ngủ ngon, được học chữ, học làm người, thắp lên trong các em ước mơ, khát vọng cháy bỏng học tập, sau này trở thành chủ nhân của đất nước.Để giúp học sinh miền Nam tạm quên đi nỗi nhớ gia đình, nhiều trường đã sáng tạo các hoạt động ngoại khóa bổ ích.Ngoài giờ học tập trên lớp, học sinh được tham gia vui chơi, ca hát, thể thao… rất sôi nổi. Các trường còn tổ chức cho các em tham quan nhà máy, nghe các Anh hùng Lao động nói chuyện, tận mắt thấy khung cảnh kiến thiết công nghiệp, mở ra cho các em ước mơ xây dựng miền Nam giàu đẹp sau này. Các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh biết sống chan hòa với công nhân, nông dân, thương yêu người lao động, quý trọng sức lao động, hình thành nhân cách tốt đẹp cho các em. Các em học sinh khi ấy, mới 10 - 15 tuổi,xa gia đình, người thân, mọi việc học tập, sinh hoạt, chăm sóc đều do các cô, các thầy dạy bảo, các em coi thầy, cô như cha mẹ mình.Thầy cô không chỉ dạy chữ, mà bằng cả cái tâm, hơi ấm của mình thu phục, Truyền cảm học sinh để các em chuyên tâm học tập, tiến bộ.Tình cảm chăm sóc, nuôi dạy của thầy, cô trong trường học sinh miền Nam không có gì tả xiết. Nhờ có sự nuôi nấng, đùm bọc, chở che của đồng bào miền Bắc và sự yêu thương của các thầy, cô giáo, đã giúp các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc trưởng thành, nhiều người trở thành Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các tỉnh, thành phố trong cả nước, trở thành nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà thơ, doanh nhân tài ba...
 
“Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc’’ là một mô hình vô cùng đúng đắn và sáng tạo của Đảng và Bác Hồ trong giai đoạn cách mạng thời đó.Chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định, “Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc” là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục-đào tạo cách mạng Việt Nam. Thành tựu to lớn, rất đáng tự hào của các trường học sinh miền Nam là trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, chiến tranh ác liệt, nhưng vẫn có chất lượng giáo dục toàn diện, đã cung cấp cho cách mạng miền Nam và cho đất nước một đội ngũ cán bộ đông đảo với chất lượng cao. Thành công lớn lao đó là kết quả về tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ, về tấm lòng nhân ái của Bác đối với cách mạng và đồng bào miền Nam ruột thịt.
                                                                             Bài: Trọng Chu
                                                                                         BBT.
 

  

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu