Liên Kết Website Liên Kết Website
Di tích Di tích
Những dấu tích về vua Thành Thái trên vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu
03:50 | 18/03/2015 Print   E-mail    

 

Thành Thái, một vị vua có tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp đã từng có thời gian sống tại Bà Rịa – Vũng Tàu (1907-1916). Dù nhiều năm trôi qua, nhưng những dấu ấn về vị vua này trên đất Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn còn đó.
 
Thành Thái (1879-1954) tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân, là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng Hậu (Phạm Thị Điểu). Ngày 2-1-1889 Bửu Lân lên ngôi lấy hiệu là Thành Thái và trở thành vị vua thứ 10 của triều Nguyễn. Khi đó ông mới 10 tuổi. Thành Thái được xem là một trong ba vị vua của triều Nguyễn (Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân) có tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp. Bởi vì có tinh thần yêu nước, năm 1907, vua Thành Thái bị truất phế, thực dân Pháp đưa người con của ông là Hoàng tử Vĩnh San lên ngai vua với niên hiệu Duy Tân. Chúng buộc ông phải rời triều đình vào an trí tại Vũng Tàu mà thực chất là giam lỏng. Đi theo cựu hoàng Thành Thái có một bà phương phi thứ ba, một bà tần cùng hai người con trai và một người con gái, tất cả đều ở Bạch Dinh, nơi nghỉ mát của viên toàn quyền Đông Dương trước đây.
 
Mùa hè năm 1916, trong một lần cựu hoàng Thành Thái lái xe tắc xông từ Vũng Tàu lên Đất Đỏ tham quan, dạo mát bỗng gặp một người con gái dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt thanh tú, đôi mắt sắc lẻm nhu dao cau, đang cưỡi ngựa như bay vượt lên phía trước. Mới thấy lần đầu, vua Thành Thái đã ưng bụng liền cho xe chạy theo sau tới gần đình Phước Thọ (Đất Đỏ). Khi biết nhà của người con gái, cựu hoàng liền tới nhà ông Kề giữ chức Hội đồng làng, hỏi người con gái cưỡi ngựa tên gì, cha mẹ là ai rồi nhờ ông hội đồng Kề dẫn tới nhà thưa chuyện muốn cưới nàng làm thứ phi. Nàng là Trần Thị Đê sinh năm 1884 trong một gia đình làm ruộng có đến 12 người con, nàng là thứ 9. Trở thành thứ phi, cô thôn nữ Trần Thị Đê về Vũng Tàu chung sống cùng cựu hoàng ở Bạch Dinh. Hàng ngày thứ phi Trần Thị Đê cưỡi ngựa cho cựu hoàng ngắm. Nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì ngày 3-11-1916, thực dân Pháp bí mật tổ chức một chuyến tàu thuỷ đưa vua Duy Tân cùng cựu hoàng Thành Thái ra đày tại đảo Réunion ở Châu Phi.
 
Du khách đến Bạch Dinh xem lại bài thơ "Sầu Tây bể cấp" do Vua Thành Thái viêt trong thời gian sống tại Vũng Tàu
 
Trong lúc bụng mang dạ chửa, thứ phi Trần Thị Đê rời Bạch Dinh về Đất Đỏ sinh nở. Sau 31 năm bị đày ải xa cách, năm 1947, vua Thành Thái được về Việt Nam nhưng chúng bắt ông phải sống tại Sài Gòn để dễ bề kiểm soát. Thỉnh thoảng ông có về Phước Thọ tìm lại người con gái Đất Đỏ năm xưa, gặp lại thứ phi Trần Thị Đê và cô công chúa Trần Thị Kiều. Vua Thành Thái rất yêu mến công chúa Trần Thị Kiều, ông thường đưa con đi dạo chơi dọc bờ biển, đi chụp hình…. Cuộc đoàn viên ngắn ngủi, đến ngày 24-3-1954, vua Thành Thái qua đời tại Sài Gòn. 13 năm sau, thứ phi Trần Thị Đê cũng qua đời ở tuổi 73.
 
Sau 31 năm bị lưu đầy tại đảo Réunion (Châu Phi), năm 1947, ông được trở về nước. Khi tàu cập cảng Vũng Tàu ông thấy núi rừng biển rộng vẫn như cũ nhưng người dân nghèo khổ vẫn bị thực dân Pháp cai trị hà khắc, trong lòng ông đau buồn vô tận và đã cảm nghĩ viết bài thơ thất ngôn bát cú có tựa đề “Sầu tây bể cấp”.
 
Sống thừa nào biết đến hôm nay
Nhìn thấy núi non đất nước này
Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ
Ruột tằm chín khúc mối sầu tây
Thành xuân muôn dặm mây mù tịt
Bể cấp tứ bề bủa sóng vây
Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc
Dẫu cho sắt đá cũng chau mày.
 
Sau này bài thơ “Sầu tây bể cấp” đã được khắc trên một tấm bia bằng đá trắng và gắn trên lầu mát Khu di tích Bạch Dinh. Ngày nay đến Bạch Dinh nhiều du khách vẫn lần theo lối đi rải đầy hoa điệp vàng và hoa sứ trắng để được xem lại bài thơ của vua Thành Thái. Bài thơ sau bao nhiêu năm vẫn có sức sống mãnh liệt với những người yêu quý vị vua này.
 
Ngoài câu chuyện về thứ phi Trần Thị Đê và bài thơ “Sầu tây bể cấp”, dấu ấn của vua Thành Thái còn lại trên đất Bà Rịa – Vũng Tàu là bộ bàn ghế Bát Tiên hiện còn trưng bày tại Lầu Cấm ở Nhà Lớn – Long Sơn. Bà Lê Thị Kiềm, thành viên ban điều hành Nhà Lớn – Long Sơn cho biết, không ai nhớ rõ nguồn gốc của bộ bàn ghế Bát Tiên nhưng tương truyền đó là bộ bàn ghế của vua Thành Thái thường dành để tiếp khách khi ngài bị người Pháp giam lỏng ở Bạch Dinh. Bộ bàn ghế này có mặt ở Nhà Lớn là do ông Lê Văn Mưu (thường gọi là ông Trần), mua lại của chủ sự người Pháp. Do tương truyền kỷ vật của vua Thành Thái nên mọi người trong Nhà Lớn đều có trách nhiệm gìn giữ và bảo quản cẩn thận. Bộ bàn ghế được làm bằng gỗ tốt, chạm chỗ các kiểu hoa văn, rồng phụng rất cầu kỳ. Trên bộ bàn ghế đó lúc nào cũng có một bộ chén trà, bình hoa để phục vụ khách đến tham quan chứ cũng không ai được ngồi trà nước ở khu vực này bao giờ.
 
Bài,  ảnh: YẾN NHI
BBT.
 
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu