Liên Kết Website Liên Kết Website
Di tích Di tích
Những ngày tháng 4 lịch sử ở TP. Vũng Tàu
06:22 | 11/04/2015 Print   E-mail    


40 năm sau ngày giải phóng, những nơi đã từng chứng kiến cuộc chiến tranh nảy lửa của TP. Vũng Tàu như cầu Cỏ May, Phước Thắng và khách sạn Palace nay đã trở thành điểm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn; nơi giáo dục truyền thống; và trở thành tuyến giao thông huyết mạch của TP. Vũng Tàu.
 
Tượng đài ghi dấu chiến thắng trận đánh Phước Thắng trước cổng Lữ đoàn 171 hôm nay
 
Nói về chiến thắng mùa xuân năm 1975, các chuyên gia nghiên cứu lịch sử khẳng định, trước thời cơ tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Bà Rịa – Vũng Tàu là một địa bàn tập trung lực lượng mạnh nhằm bảo vệ cửa ngõ thủ đô ngụy quyền Sài Gòn. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa bàn co cụm, cố thủ quyết liệt, làm nơi đứng chân của tàn quân bại trận từ các nơi khác đổ về, hòng tháo lui ra nước ngoài bằng đường thủy. Bằng sức mạnh áp đảo, chỉ trong vòng chưa đầy 4 ngày (17 giờ ngày 26-4 đến 13 giờ ngày 30-4-1975), quân và dân địa phương cùng bộ đội chủ lực đã giải phóng hoàn toàn Bà Rịa và TP. Vũng Tàu. Đó là một cuộc hiệp đồng giữa tiến công và nổi dậy; giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng chính trị binh vận của quần chúng cách mạng. Đặc biệt là khi địch đánh sập cầu Cỏ May, nhân dân địa phương đã tích cực huy động ghe, tàu đưa bộ đội vượt sông giải phóng Vũng Tàu. Nhờ 50 chiếc ghe của dân mà cánh quân hướng Đông Nam của quân giải phóng đã vượt Cửa Lấp thuận lợi, kịp thời đánh úp hồi vào Phước Thành, chi viện cho hướng Cỏ May chiếm bàn đạp, vượt sông.
 
Trận đánh kéo dài, quyết liệt nhất ở trung tâm TP. Vũng Tàu là trận đánh vào khách sạn Palace. Đây cũng là trận đánh sau chót của chiến dịch giải phóng TP. Vũng Tàu.Khách sạn Palace là một ngôi nhà cao 9 tầng, đứng sừng sững ở mé biển phía Nam thành phố. Những tên ác ôn thất trận đã co cụm ở đây từ đêm 29-4-1975 để tìm đường rút chạy ra biển. Mờ sáng ngày 30-4-1975, Đại đội 61, Tiểu đoàn 6 vây bắt sống một toán quân trên xe tăng và 4 xe GMC từ bãi biển chạy về Palace. Trong khách sạn có khoảng 450 sĩ quân và binh lính. Chúng nhốt dân tị nạn ở tầng dưới làm lá chắn và cố thủ các tầng trên. Tiểu đoàn 6 triển khai đội hình, phát loa binh vận nhưng địch vẫn ngoan cố chống trả. Từ các cửa sổ, địch bắn trung liên, M79 và lựu đạn vào đội hình ta làm nhiều chiến sĩ thương vong. Trưa 30-4-1975, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng nhưng bọn ác ôn ở khách sạn Palace vẫn điên cuồng chống trả. Trung đoàn phó Trung đoàn 12 trực tiếp chỉ huy trận đánh tiểu đoàn 6 dùng hỏa lực bắn áp đảo liên tục 30 phút vào các tầng lầu, chi viện cho bộ đội tiếp cận, dùng lựu đạn phá cửa tầng dưới đưa đồng bào ra ngoài sau đó luồn xuống phía Tây Nam từ các hẻm của khu dân cư đánh vào bên sườn khách sạn.
 
Một mũi khác được thanh niên địa phương dẫn đường đã đưa hỏa lực lên chiếm lĩnh sườn Núi Nhỏ; nã đại liên, B40, B41 và ĐKZ vào các cửa sổ tiêu diệt địch. Bọn chúng đành phải kéo cờ trắng ra hàng lúc 13 giờ 30 phút. Hàng trăm tên sĩ quan cúi đầu, giơ tay bước ra khỏi khách sạn. Chiếm được khách sạn Palace, Tiểu đoàn 6 đã đập tan cụm quân đầu sỏ, ngoan cố nhất của bọn địch trong thành phố. Đến 11 giờ trưa ngày 30-4-1975, TP. Vũng Tàu hoàn toàn giải phóng.
 
Sau 40 năm giải phóng TP. Vũng Tàu, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, những địa điểm như cầu Cỏ May, Phước Thắng, khách sạn Palace năm xưa nay đã trở thành những địa chỉ đỏ trong cuộc chiến tranh giải phóng quê hương. Và thế hệ hôm nay vẫn không quên những ngày tháng tư lịch sử đó. Trên tấm bia ghi công trận đánh Phước Thắng đặt trước cổng Lữ đoàn 171 (phường 11, TP. Vũng Tàu) hàng năm vào các ngày lễ, Tết, đặc biệt là vào dịp 30-4, người dân địa phương vẫn đến đây thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch này. Tháng 2-2007, Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May khánh thành. Đài tưởng niệm được thực hiện để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ (chủ lực là Sư đoàn Sao Vàng) đã tham gia trận chiến đấu tại cầu Cỏ May ngày 29-4-1975, phá tan tuyến phòng ngự kiên cố của địch, mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng TP. Vũng Tàu. Công trình này càng khẳng định sự ghi nhớ công lao của những người đã ngã xuống ở nơi này để hôm nay TP. Vũng Tàu được bình yên.
 
Và ý nghĩa của hai chữ “hoà bình” như chưa bao giờ cũ khi mà khách sạn Palace, nơi diễn ra trận đánh cuối cùng giải phóng Vũng Tàu trưa ngày 30-4-1975 đang ngày khẳng định được thương hiệu trong kinh doanh khách sạn của thành phố biển Vũng Tàu. Vào ngày 30-4 hàng năm, hàng trăm đoàn viên, thanh niên đang ngày đêm gắn bó với công việc ở khách sạn Palace đều chuẩn bị những lá cờ, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng ngày thống nhất đất nước. Họ sinh ra, lớn lên sau ngày miền Nam giải phóng và họ cùng chung cảm nhận: hòa bình đã đem lại cho tuổi trẻ một cuộc sống tươi đẹp.

Bài,  ảnh: Yến Nhi

BBT.

 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu