Liên Kết Website Liên Kết Website
Di tích Di tích
Lưu giữ nét đẹp của biển
02:54 | 12/10/2014 Print   E-mail    

 
Xây dựng một bảo tàng văn hóa biển tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tại sao không? Câu hỏi như một sự khơi gợi và gửi gắm đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh.
 
BIỂN VÀ CUỘC SỐNG
 
Cổ vật Hòn Cau, một trong số hàng chục ngàn cổ vật từ đáy biển Việt Nam
hiện đang có mặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu
 
Bên cạnh những tiềm năng kinh tế, Bà Rịa – Vũng Tàu còn có một nền văn hóa biển phong phú, đa dạng và đầy sức hấp dẫn. Đó là những nền văn hóa khảo cổ, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, ẩm thực, ngành nghề truyền thống, kho tàng văn học dân gian, nghệ thuật diễn xướng, tri thức dân gian… liên quan đến biển.
 
Những năm qua ngoài cổ vật sưu tầm, cùng nhiều cổ vật do mua bán trái phép được các cơ quan chức năng của tỉnh thu hồi, Bảo tàng tỉnh còn lưu giữ một số lượng lớn cổ vật được phát hiện, trục vớt từ những con tàu cổ đắm tại vùng biển phía Nam. Bộ sưu tập cổ vật biển có số lượng khoảng 13.000 hiện vật, đa dạng về loại hình, được sản xuất từ Việt Nam, Trung Hoa, Thái Lan, Pháp. Sự có mặt của cổ vật từ vùng biển cho thấy vị trí của Việt Nam nói chung, Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng trên con đường giao lưu hàng hải quốc tế trước thế kỷ XIX. Những cổ vật này có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học. Đó là những bằng chứng vật chất về các giá trị sáng tạo văn hoá của các cộng đồng cư dân trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
Biển không chỉ mang lại những giá trị vật chất, biển còn gắn liền với những nét đẹp văn hóa trong cuộc sống đời thường của người dân Bà Rịa – Vũng Tàu trong đó đặc sắc nhất là những lễ hội dân gian miền biển.Bởi trong suốt các quá trình lịch sử, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn giữ vai trò là vùng “giao thoa” chuyển tải và ngưng tụ của quá trình hình thành, giao lưu và tiếp biến văn hoá giữa Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Đối với cư dân sống bằng nghề biển, vốn rất nhiều và có mặt rất sớm ở Bà Rịa - Vũng Tàu, họ lập ra các miếu: Thờ bà, thờ Cô, thờ ông Nam Hải, thờ… là những nhân vật giàu lòng nhân ái, sẵn sàng cứu khổ, cứu nạn cho người đi biển gặp chuyện không may. Ngày nay, lễ tục ấy vẫn được gìn giữ và phát triển với những lễ hội lớn: Lễ hội Nghinh Ông (Đình thần Thắng Tam), Lễ hội Dinh Cô (Long Hải), Lễ Trùng Cửu (Nhà Lớn-Long Sơn)... Các lễ hội này đã phản ánh phần nào nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc, sôi động và có sức hấp dẫn đặc biệt của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu.
 
Bên cạnh các lễ hội sôi động, ẩm thực miền biển cũng là một nét văn hóa độc đáo của người dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Không chỉ những đặc sản quý hiếm mà còn nhiều món ăn dân gian khác đã đi vào cơ cấu bữa ăn của người dân vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Nhiều món ăn trong số đó đã trở thành những món ăn đặc sản của vùng đất này như ốc vú nàng, nước mắm cá cơm…
 
LƯU GIỮ VẺ ĐẸP CỦA BIỂN 
 
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, từ bao đời nay, biển đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa Việt Nam, biển mang lại nguồn sống và in đậm dấu ấn văn hóa trong cộng đồng người Việt... Truyền thống văn hóa biển không thể lưu giữ mãi trong ký ức, mà còn phải lưu giữ nó trong các hệ thống bảo tàng vì vậy lãnh đạo trung ương nhiều lần đến thăm Bà Rịa – Vũng Tàu đã gửi gắm ý tưởng xây dựng một bảo tàng văn hóa biển tại đây. Lãnh đạo địa phương cũng không ít lần đề cập đến một bảo tàng về nghề biển, nghề cá bởi cuộc sống của bao người dân Bà Rịa – Vũng Tàu bám biển mưu sinh không chỉ hình thành nên những nét đẹp về lễ hội miền biển, những trò chơi miền biển hay những bữa ăn mặn mà hương vị biển khơi mà mỗi chiếc ghe, con tàu, một cái lưới, cần câu hay bất cứ ngư cụ nào cũng trở đều mang hơi thở của biển.
 
Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm nhiều đến việc khai thác các nguồn lợi từ biển mà ít chú ý đến xây dựng văn hóa biển. Với chức năng bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể, bảo tàng văn hóa biển sẽ đem đến cho công chúng, các nhà nghiên cứu những giá trị văn hóa do cộng đồng cư dân biển bao đời nay đã sáng tạo, giữ gìn và phát huy qua những trường kỳ lịch sử. Và đây cũng sẽ là điểm đến thú vị cho du khách trong và ngoài nước muốn khám phá văn hóa biển của Việt Nam nói chung, biển Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, góp phần phát triển du lịch biển đảo. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân đối với đất nước. Đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trong việc tiếp nối cha anh giữ vững chủ quyền biển đảo.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ

BBT. 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu