Liên Kết Website Liên Kết Website
Di tích Di tích
Câu chuyện về những báu vật dưới lòng đại dương
03:17 | 30/10/2014 Print   E-mail    

 
Hơn 1.000 cổ vật đang được Bảo tàng tỉnh trưng bày và bảo quản tại Khu di tích Bạch Dinh được ví như những báu vật dưới lòng đại dương. Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, những câu chuyện bên lề các sưu tập cổ vật gợi lại biết bao nỗi niềm, thân phận của những con tàu từng bị sóng biển, thời gian vùi sâu dưới lòng đại dương sâu thẳm, đầy bí ẩn.
 
 
Vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trên tuyến đường biển tơ lụa trên nối liền từ Châu Âu sang Trung Quốc và từ Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á. Quần đảo Côn Đảo ngày xưa đã nổi tiếng là hải cảng và là nơi trạm dừng chân từ Việt Nam qua phía Tây vào vịnh Thái Lan hay qua hướng Đông sang Brunay, Philippine. Vào thế kỷ VI - XVII các con tàu buôn của Trung Hoa đã đi qua vùng biển này để trao đổi hàng hoá tương đối nhộn nhịp, sầm uất giữa vùng Đông bán cầu và Tây bán cầu. Đến cuối thế kỷ XVII vai trò của các nước phương tây: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh đã có nhiều con tàu vượt đại dương qua vùng biển Việt Nam để đến Trung Hoa, trao đổi buôn bán hoặc tham gia các đợt hội chợ quốc tế. 
 
Chính vì vậy ở vùng biển Bà Rịa -Vũng Tàu có khá nhiều xác con tàu chìm. Ông Phạm Chí Thân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, từ năm 1990 đến nay có đến 5 con tàu chìm được phát hiện. Điển hình nhất là con tàu chở đồ gốm sứ Hòn Cau. Bộ sưu tập cổ vật Hòn Cau được khai quật vào năm 1990, đây là con tàu của Trung Hoa trên đường sang Châu Âu bị đắm khi qua vùng biển Côn Đảo, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều loại hình chất liệu: đá, đồng, thỏi mực, thực vật… nhưng có giá trị nhất là bộ sưu tập gốm, sứ được sản xuất vào khoảng giữa  năm Canh Ngọ (1690) nhờ xác định những đồng tiền cổ có niên hiệu là Khang Hy và một thỏi mực Trung Hoa có ghi ba chữ Hán “Canh Ngọ niên”. Cuộc khai quật đã đưa lên khỏi mặt nước hơn 34 nghìn hiện vật đồ sứ, 28 nghìn hiện vật đồ gốm, căn cứ vào chất liệu hình dáng và các dải hoa văn trang trí trên đồ gốm sứ cho thấy chúng được làm từ các lò ở Cảnh Đức Trấn, Đức Hoa (thuộc vùng Hoa Nam - Trung Hoa), mang dấu ấn Châu Âu và kỹ thuật chế tác rất điêu luyện, tinh xảo. Về mặt loại hình đồ sứ và đồ gốm gồm các loại bình, hũ, lọ, choé, ấn, chén, đĩa, tô... Riêng choé sứ có đến 15 loại khác nhau với các dải hoa văn trang trí phong cảnh của Châu Âu; phong cảnh sơn thuỷ hữu tình; các loại hoa mai, sen, lan, cúc hoặc người cưỡi ngựa, kẻ bắn cung. Phía dưới đáy đồ gốm sứ có các ký hiệu: chữ Thập, chữ Phúc, chữ Ngọc, đồng tiền hoặc hình linh chi, hoa sen, lá dâu, loa ốc, song ngư..
 
Năm 1992 tại vùng biển Bãi Rạng (Bà Rịa - Vũng Tàu) ở độ sâu 25m ngư dân đã phát hiện được 7 khẩu súng đồng kiểu thần công. Qua bài minh văn khắc bằng chữ Hán trên thân súng, các nhà chuyên môn cho biết những khẩu súng này được đúc vào đời Gia Tĩnh và Vạn Lịch nhà Minh (Trung Hoa) vào năm (1551, 1558). Năm 1995 một con tàu khác chở 1092 hiện vật gốm sứ gồm các loại: đĩa, tô, bát gốm men trắng vẽ lam bị chìm tại khu vực cách bờ biển Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) 30 km ở độ sâu 25m do ngư dân Nguyễn Văn Ba phát hiện. Đây là những sản phẩm của các lò gốm dân gian phục vụ cho sinh hoạt của nhân dân được sản xuất từ vùng Hoa Nam (Trung Hoa) vào nửa cuối thế kỷ XIX.
 
Tháng 11 - 1996 Ông Bùi Văn Tri một ngư dân ở TP. Vũng Tàu đã tìm thấy một con tàu cổ nằm dưới độ sâu 15 mét nằm ở phía Tây Bắc, Bãi Dâu (TP. Vũng Tàu). Sau hai tháng tổ chức trục vớt các thợ lặn đã vớt lên được 105 hiện vật gồm các chất liệu: Gốm sứ, pha lê, thuỷ tinh, đồ đồng… Bộ sưu tập sứ men trắng hầu hết đồ còn khá nguyên vẹn. Những hiện vật của con tàu gồm các đồ dùng gia dụng sử dụng trong sinh hoạt: tô, điã, thố, hộp, tách ly, ngoài ra còn một số những vật dụng như: phù điêu bằng đồng gắn trên cabin, đèn đi biển, đèn hoa tiêu…Theo các nhà chuyên môn đánh giá đây là bộ sưu tập gốm sứ kiểu Pháp được sản xuất vào khoảng giữa thế kỷ XIX thuộc loại khá độc đáo ở Việt Nam.
 
Tháng 5 - 1999 ông  Phan Cao Thạch ở phường 10 (TP. Vũng Tàu) đã phát hiện tại vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu một con tàu khác chở các hiện vật đồ gốm với các chủng loại: Vò, bình, bát, đĩa, thố trang trí men màu đen, nâu, men  ngọc… với kỹ thuật tạo hoa văn bằng phương pháp khắc vạch, đắp nổi, vẽ màu có vân…đây là những hiện vật được sản xuất vào thế kỷ XV tại vùng Sukhothai và Sawankhalok của Thái Lan.
 
Những hiện vật mà các nhà khoa học và cả người dân phát hiện sau này được tập hợp lại với hơn 1.000 loại cổ vật có giá trị hiện đang được trưng bày và bảo quản tại Khu di tích Bạch Dinh phục vụ khách tham quan. Ông Phạm Chí Thân cho rằng, ngành khảo cổ dưới biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn ẩn chứa tiềm năng vì vậy cần sự đầu tư và hợp tác liên ngành, liên cơ quan trong nước, quốc tế để tiếp tục khai quật thêm những con tàu còn đang nằm bí ẩn dưới đáy biển và có dịp tìm hiểu những câu chuyện về cố vật dưới lòng đại dương.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.

  

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu