Liên Kết Website Liên Kết Website
Di tích Di tích
Phát huy giá trị đình thần Thắng Tam và Hòn Bà
09:27 | 20/09/2014 Print   E-mail    

 
Không chỉ là nơi thờ cúng, ngưỡng vọng của ngư dân Vũng Tàu, đình thần Thắng Tam và Hòn Bà còn là điểm đến văn hóa, tâm linh thu hút đông đảo khách thập phương đến hành hương, chiêm bái.
 
Đình thần Thắng Tam được xây dựng từ đời vua Minh Mạng, do người dân Vũng Tàu lập để thờ ba người có công khai phá, dựng nên ba làng Thắng Tam, Thắng Nhì và Thắng Nhất của Vũng Tàu, đó là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Ban đầu, đình chỉ làm bằng tre lá, sau đó,dân chúng trong làng đóng góp tu sửa, lợpmái ngói cho đình. Đến năm 1965, đình được trùng tu, xây dựng kiên cố và giữ nguyên bố cục kiến trúc đến ngày nay. Đình thần Thắng Tam có cổng tam quan, nhà tiền hiền, hội trường,ngôi đình trung, sân khấu võ ca. Trong đình bày trí nhiều đồ lễ chạm trổ tinh xảo, sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Bên trái đình là miếu Bà (còn gọi là miếu Ngũ Hành, thờ 5 yếu tố vật chất tạo nên vũ trụ là Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ) và hai vị hộ quốc được vua phong thượng đẳng thần là bà Thiên Y-A-Na và Thuỷ long thần nữ. Bên phải đình là Lăng cá Ông, bảo tồn, thờ cúng xương cá Ông khổng lồ do ngư dân Vũng Tàu vớt được từ cách đây hơn 100 năm.
 
Đình thần Thắng Tam được hai vua nhà Nguyễn là Thiệu Trị và Tự Đức ban 13 sắc phong, hiện được lưu giữ cẩn thận tại đình. Hàng năm, đình thần Thắng Tam có 3 lễ hội lớn là cầu an (từ 17 đến 20-2 âm lịch), Nghinh Ông (từ 16 đến 18-8 âm lịch) và miếu Bà (từ 16 đến 18 -10 âm lịch). Năm 1991, cụm kiến trúc đình Thắng Tam gồm miếu Bà, lăng cá Ông và đình Thắng Tam được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
 

Du khách nước ngoài tham quan đình thần Thắng Tam.

Theo Ban quản lý khu di tích lịch sử đình thần Thắng Tam, mỗi ngày, nơi đây đón khoảng 500 lượt khách đến hành hương, thăm viếng, trong đó có nhiều khách nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu. Vài năm gần đây, các lễ hội lớn trong năm của đình được TP.Vũng Tàu quan tâm, tạo điều kiện nâng cấp về quy mô, trong đó, lớn nhất là lễ hội Nghinh Ông mở rộmg thêm phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao, chương trình nghệ thuật tạo không khí sôi động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần cho nhân dân và phát huy giá trị của lễ hội nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch địa phương.

Để lên Hòn Bà, người hành hương phải chờ nước rút và men theo lối đi đầy đá sắc nhọn.
 
Ông Trương Văn Khôi, trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử đình thần Thắng Tam cho biết, Hòn Bà và miếu Bà tọa lạc tại Bãi Sau có mối quan hệ gắn bó với đình thần Thắng Tam. Cụ thể, trước đây, Hòn Bà thuộc làng Thắng Tam, trong lễ hội miếu Bà (từ 16 đến 18 -10 âm lịch) có nghi thức rước Thủy long thần nữ từ miếu Bà tọa lạc trên Hòn Bà về nhập điện tại đình thần Thắng Tam. Hiện nay, ban quản lý khu di tích lịch sử đình thần Thắng Tam đang hoàn tất hồ sơ xin xếp hạng di tích cho Hòn Bà; đồng thời tính hướng xây dựng đội ngũ thuyết minh viên, hệ thống lại tiểu sử, lí lịch di tích, các nghi thức thờ cúng củađình để công bố thống nhất rộng rãi cho quần chúng nhân dân biết.
 
Vào những ngày rằm lớn trong năm như tháng giêng, tháng 4, tháng 7, tháng 10, Hòn Bà thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến hành hương miếu Bà. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất để lên Hòn Bà là đường lên xuống phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều. Thấy được ý nghĩa văn hóa, tâm linh và giá trị cảnh quan của Hòn Bà trong tổng thể không gian cảnh quan của Bãi Sau, năm 2012, Trung tâm Quy hoạch xây dựng tỉnh đã đề xuất các phương án đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa miếu Hòn Bà, nhằm đưa Hòn Bà và miếu Bà thành điểm nhấn tâm linh phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng của ngư dân và khách du lịch, kết nối trên bờ dưới biển ở mọi điều kiện thời tiết và các khu vực xung quanh tạo thành quần thể du lịch tâm linh, dịch vụ hoàn chỉnh. Hiện nay, một số doanh nghiệp cũng có nguyện vọng đầu tư đưa Hòn Bà thành khu du lịch văn hóa, tâm linh.
 
Bài, ảnh: Trường Lân
BBT.
 

Thông Tin Thời Tiết Thông Tin Thời Tiết

Ảnh đẹp Vũng Tàu Ảnh đẹp Vũng Tàu