Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Nghị định số 61/2018/NĐ-CP quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
04:28 | 05/06/2018 Print   E-mail    

Ngày 23/4/2018 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Trong đó, Nghị định quy định rõ quy trình giải quyết các thủ tục hành chính. Nghị định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 21/06/2018.

Theo đó, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại cấp tỉnh, huyện, xã, Trung tâm phục vụ hành chính công hoặc bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, xã, những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 Theo Nghị định 61/2018/NĐ-CP thì các tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua các cách thức theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính gồm: Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa; Thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật; Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Mỗi hồ sơ thủ tục hành chính sau khi được tiếp nhận sẽ được cấp một Mã số hồ sơ được ghi trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả. Tổ chức, cá nhân sử dụng Mã số hồ sơ để tra cứu tình trạng giải quyết thủ tục hành chính tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

So với các văn bản trước đây thì Nghị định 61/2018/NĐ-CP có quy định cụ thể về các hành vi nghiêm cấm đối với cán bộ tại Bộ phận Một cửa cũng như các tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính . Cụ thể, cán bộ tại Bộ phận Một cửa không được cản trở việc lựa chọn hình thức nộp hồ sơ, nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian giải quyết hoặc tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định; Đùn đẩy trách nhiệm, thiếu hợp tác, thiếu công bằng, không khách quan….tổ chức, cá nhân không được dùng các thủ đoạn để lừa dối, hối lộ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; Vu khống, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, mạo danh người khác để tố cáo sai sự thật, không có căn cứ…

Nghị định 61/2018/NĐ-CP cũng đã quy định rõ ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định trên, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phân công cán bộ, công chức, viên chức xử lý xem xét, thẩm định hồ sơ, trình phê duyệt kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định./.

Tin: Lê Ngân, BBT

Các bài mới hơn
Các bài cũ hơn