Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Vũng Tàu tiếp tục phát huy giá trị di tích lịch sử, danh thắng gắn với phát triển du lịch
02:57 | 05/07/2019 Print   E-mail    

Bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh đất nước, thu hút đông đảo du khách tham quan, nghiên cứu, qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Vũng Tàu là Thành phố có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mang giá trị nhân văn, tiềm năng để phát triển du lịch; là địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và chứa đựng đa dạng, phong phú các loại hình văn hóa phi vật thể gắn bó mật thiết với các hoạt động mang tính chất tâm linh: Đình Thắng Tam, Đền Đức Thánh Trần, Cầu Ngư- Lăng Ông Nam Hải, Dinh Cô Long Hải, Miễu Bà Ngũ bang; tập trung các di tích nổi tiếng như Bạch Dinh, Trận địa Pháo cổ- Hầm thủy lôi Núi lớn, Thích ca Phật đài...

Theo báo cáo của UBND Vũng Tàu hiện nay trên địa bàn Thành phố có 18 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng với 17 di tích cấp Quốc gia và 01 di tích cấp Tỉnh và các di tích có thể phục vụ phát triển du lịch như Di tích nhà má Tám Nhung, số 01 đường Trần Xuân Độ - Phường 6, hiện nay công trình đã được trùng tu, đang tiến hành trưng bày nội thất và mở cửa phục vụ khách du lịch; Khu di tích Đình Thắng Tam, số 77 - đường Hoàng Hoa Thám - Phường Thắng Tam, di tích được giữ gìn, bảo quản tốt, đây cũng là một trong những địa điểm để tổ chức lễ hội Nghinh Ông và được giới thiệu rộng rãi cho các du khách trong nước và quốc tế đến tham quan; Di tích Linh sơn Cổ tự, số 104 - Đường Hoàng Hoa Thám - phường 2, là Di tích kết hợp cùng Danh lam thắng , để phát triển tour, tuyến du lịch văn hóa tâm linh phục vụ du khách tham quan và chiêm bái; Di tích danh thắng Thích Ca Phật Đài, số 610 Trần Phú - phường 5 TP. Vũng Tàu đang thu hút và phục vụ khách du lịch; Di tích chùa Phước Lâm “Phước Lâm Tự”, số 65 - Đường Nguyễn Bảo- phường Thắng Nhì; Khu di tích Nhà Lớn – Long Sơn (đền Ông Trần), Thôn 5 – Xã Long Sơn ; Di tích LS-VH Niết Bàn Tịnh Xá, số 60/7 Hạ Long - phường 2; Di tích trận địa pháo cổ trên núi Tao Phùng (Núi Nhỏ), p.2 ; Đình Thần-Miếu Bà và Chùa Long Sơn, Thôn 1, Xã Long Sơn; Hòn Bà..Hàng năm tại các điểm đến này thu hút lượng khách đến với Thành phố, khách chủ yếu là khách lẻ, tự tìm hiểu trên các phương tiện thông tin địa chúng, trang mạng xã hội. Bà Trần Thanh Hoa-du khách đến từ Hồ Chi Minh cho biết thêm “ Gia đình tôi ở Sài Gòn nên việc đi lại giữa Sài Gòn- Vũng Tàu rất thuận tiện, một năm gia đình tôi đến đây vài lần, trước đây đến Vũng Tàu chủ yếu là tăm biển và ăn hải sản, thời gian gần đây gia đình Tôi đến Vũng Tàu thường đi khám phá những điểm đến là các di tích, danh thắng như Hòn Bà, Trận địa Pháo cổ, Bạch Dinh, tuy nhiên những điểm đến này có một số nơi vẫn chưa được chú trọng để phục vụ cho khách du lịch, thiếu các dịch vụ phục vụ nêncũng mong rằng Thành phố chú tâm và phát triển cơ sở hạ tầng tốt hơn nữa để phục vụ khách du lịch tốt hơn”.

Khu di tích Bạch Dinh- một trong những di tích thu hút khách du lịch đông hiện nay của Thành phố

Hiện nay công tác bảo tồn gắn với phát triển du lịch đã được Thành phố quan tâm đặc biệt bằng nhiều việc làm thiết thực, các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, vận động nhân dân tham gia giữ gìn và bảo vệ các di sản; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học để lập hồ sơ quản lý nhằm bảo tồn giá trị di tích theo đúng quy định của pháp luật,  các di tích được quan tâm đầu tư, trùng tu, tôn tạo, ý thức của người dân đã chuyển biến tích cực, góp phần không nhỏ vào công tác quảng bá, phục vụ phát triển du lịch như chủ động đề xuất, kiến nghị lên cơ quan cấp Tỉnh chủ trương xã hội hóa Trận địa pháo cổ và Hầm thủy lôi- trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương; Lập kế hoạch và thực hiện việc lập lại trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường của điểm du lịch Thích ca Phật đài;  phục dựng, tôn tạo và mở cửa phục vụ đón khách đến thăm, tìm hiểu Nhà má Tám Nhung; Nhà truyền thống cách mạng TP. Vũng Tàu đã tổ chức trưng bày, triển lãm các hiện vật, di tích, tư liệu lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của người dân Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung phục vụ khách tham quan, du lịch.

Lãnh đạo của Phòng Văn hóa và Thông tin- UBND Vũng Tàu cho biết thêm “Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao của Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu trong đó phát triển sản phẩm du lịch tâm linh, phát huy giá trị các di tích lịch sử cũng là một trong những nội dung trọng tâm nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng như thực hiện Công văn số 2009/BVHTTDL-DSVH của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch; công văn 5941/UBND-VP về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh,  thời gian qua Thành phố cũng đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút, quảng bá và giữ chân khách lưu trú đến Vũng Tàu, đặc biệt là đối với các sản phẩm đặc trưng là du lịch tâm linh và đến nay phần nào mang lại hiệu quả”.

Thích ca Phật đài-là một trong những di tích đã được Thành phố quan tâm, đưa vào thực hiện việc kiên quyết lập lại An ninh trật tự, vệ sinh môi trường phục phục phát triển du lịch trong năm 2018 

Bên cạnh những kết quả đạt được đó cũng còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, giải quyết, tiếp tục đầu tư để các di tích, sản phẩm thực sự bền vững hơn như công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản , các lễ hội cần được nâng cấp phát triển, cơ chế gặp nhiều khó khăn, công tác nhân sự chưa quan tâm phát huy, việc giới thiệu di tích, quảng bá du lịch chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm ảnh hưởng tới giá trị di tích.

Có thể thấy rằng, Du lịch là động lực chính để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, làm sao để khai thác tối ưu những giá trị độc đáo hiếm có của các di tích về văn hóa, lịch sử, tâm linh… đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương, Tỉnh, ngành, địa phương, cộng đồng, người dân và du khách để có giải pháp bảo tồn và phát huy bền vững góp phần tỏa sáng giá trị kho tàng văn hóa, sản phẩm du lịch đặc sắc này./.

Bài, ảnh: Kim Nguyễn. BBT