Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật
Những người làm báo hôm nay luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình, học tập và làm theo gương Bác về phong cách và đạo đức nhà báo.
08:14 | 17/06/2019 Print   E-mail    

 

Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6 (1925 - 2019) 

Những người làm báo hôm nay luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình, học tập và làm theo gương Bác về phong cách và đạo đức nhà báo.

------------- 

Trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, mở rộng hội nhập quốc tế dưới ngọn cờ của Đảng ở nước ta hiện nay thì báo chí cách mạng ngày càng có vai trò hết sức quan trọng. Và điều đó đòi hỏi nhân cách người làm báo phải ngang tầm. Muốn có được những phẩm chất tương xứng đó, việc học và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác, nhất là những căn dặn của Bác đối với người làm báo là việc làm cần thiết. Trong nhiều văn kiện, Đảng ta đều khẳng định rõ nhiệm vụ phải xây dựng đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực báo chí cả về bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, trình độ, phẩm chất đạo đức. Đó là những đòi hỏi cao, chính đáng và cấp bách đối với những người làm báo; cũng là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển về chất lượng và hiệu quả của hệ thống thông tin đại chúng nước ta trong thời đại ngày nay, góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong nghề báo nói chung cũng như mỗi nhà báo nói riêng.

(Hình tư liệu)

Sinh thời, Bác Hồ được tôn vinh là Nhà báo số một của làng báo cách mạng Việt Nam. Tư tưởng, quan điểm, thực tiễn hoạt động của Người về Báo chí Cách mạng mãi mãi là tấm gương trong sáng cho các thế hệ người làm báo Việt Nam học tập và noi theo. Trên lĩnh vực báo chí cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một kho tàng vô cùng quý giá, các bài viết, bài phát biểu của Người trên các báo, các diễn đàn trong nước hoặc trên thế giới, luôn tạo những dấu ấn sâu sắc, in đậm trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam và bè bạn trên các châu lục. Đối với người làm báo, Hồ Chí Minh dạy rằng: “... Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra sức rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Bác yêu cầu cán bộ báo chí phải không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng mà trước hết là phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó “là vũ khí cần thiết và sắc bén nó giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm”. Đối với nhà báo cách mạng “viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ” và phải “Phê bình với một tinh thần thành khẩn, xây dựng “trị bệnh cứu người”. 

Học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh, những năm qua, báo chí nước ta đã phát huy được thế mạnh, đảm bảo thông tin nhanh nhạy, chân thực, khách quan, chính xác, kịp thời, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội theo đúng định hướng và tôn chỉ, mục đích; khởi phát nhiều phong trào mang ý nghĩa nhân văn, khơi dậy truyền thống, niềm tự hào dân tộc. Đa số các cơ quan báo chí, các nhà báo đã thể hiện được lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh chống lại những cái xấu, tiêu cực trong đời sống xã hội; có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Ngày càng xuất hiện nhiều nhà báo yêu nghề, sâu sát với cơ sở, gắn bó với nhân dân, có những tác phẩm tốt, hiệu quả chính trị - xã hội cao, góp phần quan trọng vào việc củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, tạo động lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Học tập và làm theo phong cách làm báo của Hồ Chủ tịch, những người làm báo khi cầm bút phải tự vấn và trả lời những câu hỏi liên quan đến trách nhiệm xã hội của mình “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì?”, rồi sau đó mới đến “Viết như thế nào?”. Trả lời đầy đủ, đúng đắn những câu hỏi quan trọng mang tính nguyên tắc làm báo nêu trên chính là việc xác lập chỗ đứng và con đường đi đến đích của nhà báo. Hồ Chủ tịch là bậc thầy về nghề làm báo. Trước hết, cái tâm người làm báo phải gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng và thực tiễn các phong trào cách mạng rộng lớn và sinh động. Nhà báo phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng để phản ánh sự thật đời sống một cách trung thực, có chiều sâu và có tính định hướng dư luận. Người làm báo phải tận tâm với công việc, trăn trở để có được sản phẩm chất lượng. Để làm được điều này, nhà báo cần làm việc có kế hoạch, từ việc phát hiện vấn đề, lựa chọn cách tiếp cận thực tế, nghiên cứu tài liệu chuyên sâu, ghi chép tư liệu, tổng hợp và phân tích thông tin. Vốn sống, kinh nghiệm và sự học hỏi đồng nghiệp là những điều người làm báo cần chú trọng để theo đuổi nghề đến cùng.

Học tập và làm theo gương Bác, những nhà báo hôm nay luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm xã hội của mình. Nhà báo chân chính với tinh thần trách nhiệm trước xã hội, trước nhân dân biết hòa mình trong niềm vui, nỗi lo lắng trước khó khăn của đất nước, đồng thời luôn luôn tìm thấy trong thực tiễn sinh động của sự nghiệp vinh quang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nguồn đề tài vô tận, chất liệu mới phong phú để sáng tạo nên những tác phẩm báo chí có chất lượng, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp hơn. Trong việc phê phán cái xấu, cái sai, cái lạc hậu cũng phải góp phần mang tới công chúng niềm tin ở sự thật, sự nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào những truyền thống tốt đẹp, những giá trị nhân văn của dân tộc ta. Nếu người làm báo thiếu, hoặc ý thức trách nhiệm xã hội không cao thì khó có thể viết được những tác phẩm tốt có giá trị đi vào đời sống xã hội. Bác dạy: “Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng, Ta, bạn, thù, thì viết mới đúng”. “Viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn, nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng có nhiều cái hay để nêu lên, không cần phải bịa đặt ra”.

Kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6 (1925 - 2019), đội ngũ những người làm báo càng tự hào bởi sự vươn lên vượt bậc về số lượng, chất lượng cán bộ làm công tác báo chí. Các loại hình báo chí (báo in, báo hình, báo điện tử, thông tin ngành…) cùng hướng đến một mục tiêu chung phản ánh chân thực quá trình đất nước, quê hương chuyển mình đi lên thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nền báo chí cách mạng của chúng ta không rời xa mục tiêu phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. “Đề tài” của chúng ta hôm nay - theo cách nói của Nhà báo lớn Hồ Chí Minh- là sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước đang đòi hỏi những người làm báo phải luôn luôn rèn luyện để có đủ tài, đủ tâm, đủ đức, hoàn thiện nhân cách của mình để có thể tham gia góp sức hoàn thành nhiệm vụ đó, để báo chí của ta hấp dẫn hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân cách người làm báo vẫn có giá trị soi sáng cho những người làm báo hôm nay./.

Bài: Lê Ngân, BBT