Thông tin hoạt động Thông tin hoạt động
Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa tham nhũng
03:29 | 27/08/2014 Print   E-mail    

 

Ngày 27/8, tại khách sạn Mỹ Lệ, TP. Vũng Tàu đã diễn ra Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức. Tham gia Hội nghị có ông Trần Đức Lượng - phó tổng thanh tra Chính phủ, đại diện cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, cùng hơn 100 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành và Thanh tra các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về các nội dung như: những quy định về phòng ngừa tham nhũng của Công ước Liên họp quốc về chống tham nhũng và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng của Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về minh bạch tài sản của cán bộ, công chức và phòng ngừa xung đột lợi ích; kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa tham nhũng trong mua sắm công và quản lý tài chính công; kinh nghiệm quốc tế trong nâng cao trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức và tăng cường sự tiếp cận thông tin của người dân; vai trò của việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với quá trình hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Majlessi – Cố vấn chống tham nhũng khu vực- cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc cho rằng, tham nhũng hiện đang là vấn nạn thách thức nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Tham nhũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự bất ổn về an sinh xã hội, làm xói mòn các thể chế và giá trị đạo đức, dân chủ của một quốc gia. Do vậy, ngăn ngừa và kiểm soát tham nhũng là yêu cầu cấp thiết và là trách nhiệm của các quốc gia. Và để đạt hiệu quả, các quốc gia phải cùng nhau hợp tác và thực hiện nghiêm công ước của Liên hợp quốc về tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia.
 
Ông Trần Đức Lượng- phó tổng thanh tra chính phủ khẳng định, với quyết tâm đẩy lùi tham nhũng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, triển khai đồng bộ nhiều chương trình, biện pháp phòng, chống tham nhũng. Qua đó, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tham nhũng ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp, những kết quả đạt được mới chỉ là ban đầu. Chính vì thế, Chính phủ Việt Nam xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm cần được đẩy mạnh trong thời gian tới, trong đó tiếp tục hoàn thiện các thể chế, cải cách hành chính, tăng cường công khai minh bạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố và xét xử hành vi nham nhũng. Các yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cần tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả.
 
Tin, ảnh: Minh Phát
BBT.