An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Mưu sinh bằng nghề cào thôn
09:26 | 16/07/2014 Print   E-mail    

 
Khi những chiếc ghe đánh bắt hải sản trở về đất liền thì cũng là lúc người làm nghề cào thôn (con thôn hay còn gọi là con hà) tại khu Bến Đình (phường 5, TP. Vũng Tàu) lại tất bật với công việc của mình…
 
Nghề của nam giới
 
Có mặt trên ụ ở khu Bến Đình (phường 5, TP. Vũng Tàu) vào một ngày đầu tháng 7 khi các công nhân Xí nghiệp cơ khí tàu thuyền thuộc Công ty CP Dịch vụ Hậu cần thủy sản tỉnh BR-VT đang dầm mình trong làn nước lạnh ngắt chà, rửa hà, chúng tôi mới thấm thía sự khổ cực của cái nghề mà theo như nhiều người nói là chỉ giành cho nam giới này.
 
Do phải liên tục dầm mình trong nước nên nghề này chủ yếu dành cho nam giới.
 
Công đoạn đầu tiên được coi là khó khăn nhất là ủi hà. Do bám chắc vào ghe nên việc này đòi hỏi người làm phải khéo léo cạy, ủi sao cho không bị các con hà cứa vào tay. Tùy theo nhiệm vụ được phân công và mỗi người phụ trách một việc: người thì quỳ xuống kỳ cọ dưới gầm ghe, người lại bắc ghế lên cao làm phía trên. Bên ngoài, một công nhân liên tục xịt nước để giúp cho việc ủi, chà được dễ dàng hơn. Mỗi lần ủi, những mảnh vỡ sắc nhọn của các con hà bay tung tóe bám đầy trên người và dưới chân các công nhân. Sau khoảng một tiếng là tiếp tục đến công đoạn vệ sinh rong rêu và chà các con hà còn sót lại bằng cách sử dụng bàn chà sắt, bàn chà nhựa, đồ cạo tay… Kết thúc công việc sau hơn 3 tiếng dầm mình trong làn nước lạnh ngắt, quần áo ai cũng ướt sũng, môi thâm quầng, cơ thể thì run lên cầm cập mỗi khi có cơn gió thoảng qua. Nhiều người rít vội điếu thuốc mong xua đi cái lạnh.
 
Anh Hoàng Văn Tình, tổ trưởng tổ chà rửa, cho biết, từ tháng 10 đến 12 Âm lịch là thời điểm mà nhiều ghe đánh bắt hải sản trở về đất liền. Đây cũng là lúc những người làm nghề cào thôn bận rộn nhất. Có hôm cao điểm, công nhân phải chà, rửa 7 đến 8 chiếc ghe trong một ngày. Do nước dùng để chà ghe được bơm lên từ dưới ụ nên chỉ những hôm nước lớn mới làm được. Tùy theo ghe lớn hay nhỏ, hà và rong rêu bám nhiều hay ít mà có giá chà rửa khác nhau, nhưng trung bình từ 9 trăm ngàn đến 2 triệu đồng/ghe. Sau khi được làm sạch sẽ, ghe sẽ tiếp tục được xảm trét, sơn sửa… “Lúc bình thường dầm mình trong nước đã thấy lạnh, còn những hôm trời mưa, rét thì làm công việc này giống như là “hành xác”. Nghề này không quy định thời gian, có ngày chỉ làm vài tiếng, nhưng cũng có khi đến tối mịt mới xong việc”, anh Nguyễn Văn Trình, 35 tuổi, có thâm niên gần chục năm trong nghề tâm sự.
 
Giúp ghe đi biển an toàn và tiết kiệm hơn
 
Theo chu kỳ khoảng 6 tháng đến 1 năm, các ghe lại được đưa lên ụ để cào thôn, xảm trét, sơn sửa… Riêng công đoạn chà rửa, các chủ ghe có thể đưa ghe lên ụ hoặc thuê người chà, rửa ngay ở dưới nước. Hiện ở khu Bến Đình có khoảng gần 20 người nam giới - đều là những lao động phổ thông, độ tuổi từ từ 25 đến 47 - chuyên làm chà, rửa ghe dưới nước. Ngoài cào thôn, những người này bươn chải kiếm sống bằng đủ các nghề như: chèo đò, lượm ve chai, buôn bán... Nếu chủ ghe chỉ yêu cầu làm sạch bề mặt phía trên, họ sẽ chèo đò xung quanh hoặc buộc dây đu từ trên ghe xuống để vừa múc nước vừa kỳ cọ. Còn những ghe muốn cạo hà và rong rêu dưới đáy, họ sẽ mang theo xẻng và sử dụng bình ô xy để lặn xuống. Tiền công cho việc chà bề mặt phía trên khoảng 150 đến 200 nghìn đồng/ghe/1 người; còn chà toàn bộ ghe có giá cũng gần như làm trên ụ.
 
Việc bị các con hà cứa vào tay hay bay vào mắt là điều hết sức bình thường đối với những người mưu sinh bằng nghề này. Không những thế, khi lặn dưới sông họ còn thường xuyên bị mảnh sành hay các vật nhọn đâm vào. Nhìn tay, chân những người cào hà thấy ai cũng có ít nhất vài vết sẹo. Khi mới làm thì muốn gắn bó với nghề này, nhưng chỉ được vài hôm là không ít người đều phải từ bỏ ý định vì không thể chịu được mấy tiếng đồng hồ hoặc thậm chí cả ngày phải dầm mình trong làn nước lạnh ngắt.
 
Nghề cào thôn gần không có ngày nghỉ. Bởi hễ chủ ghe kêu là họ lại vội vã xách đồ nghề đi ngay. “Sau một ngày làm việc, tôi chỉ muốn lăn ra ngủ vì cả người ê ẩm, trong khi mắt sưng đỏ lên, môi thì tím tái lại. Tuy vất vả và độc hại, nhưng mình ít học lại nghèo nên cũng đành cắn răng mà kiếm sống thôi”, anh Nguyễn Thung, 43 tuổi đời và hơn 10 năm làm nghề này, thở dài nói.
 
Ghe đi biển lâu ngày rất hay bị các con hà và rong rêu bám vào. Nếu không làm sạch, ghe đi biển sẽ bị giảm tốc độ và tốn dầu nhiều hơn. Ông Lê Văn Hò, chủ ghe Phước Hải (Kiên Giang) cho biết, đến kỳ bảo dưỡng, tôi đều đưa ghe lên ụ tu sửa hoặc đậu phía dưới rồi thuê những người làm nghề cào thôn ở khu vực này tới vệ sinh ghe. “Bình thường chưa làm ghe chỉ chạy từ 8 đến 10 hải lý/giờ thì sau khi được làm sạch, ghe có thể chạy được khoảng 12 hải lý/giờ. Những người làm nghề này giúp những chuyến đi biển của chúng tôi trở nên an toàn và tiết kiệm chi phí hơn”, ông Hò nhận xét.
 
Bài, ảnh: Minh Phương
BBT.