An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Đầu tư cho thanh niên là đầu tư tương lai đất nước.
09:11 | 09/07/2014 Print   E-mail    

 

Hưởng ứng ngày dân số thế giới 11/7
 
ĐẦU TƯ CHO THANH NIÊN LÀ ĐẦU TƯ TƯƠNG LAI ĐẤT NƯỚC
-------------------
 
Hưởng ứng sự kiện ngày Dân số Thế giới 11/7/2014 với chủ đề “ Đầu tư cho thanh niên”, BCĐ công tác DS-KHHGĐ thành phố Vũng Tàu đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của thanh niên là chủ nhân tương lai, tiên quyết trong sự phát triển của đất nước và địa phương.
 
Hiện nay, các hoạt động của chương trình DS-KHHGĐ và các mô hình nâng cao chất lượng dân số thành phố Vũng Tàu với mục tiêu “ Đầu tư cho thanh niên” như mô hình Tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình can thiệp nhằm làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hiểu biết luật hôn nhân gia đình từ đó tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho thanh niên để đảm bảo sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
 
Hình minh họa
 
Như chúng ta cũng đã biết, giai đoạn chuyển đổi từ vị thành niên sang người lớn được khỏe mạnh và an toàn là quyền của mọi trẻ em. Quyền này chỉ có thể được thực hiện nếu xã hội và gia đình tập trung vào đầu tư và tạo cơ hội để đảm bảo rằng trẻ em vị thành niên và thanh niên được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho một cuộc sống hữu ích và khỏe mạnh.
 
Bảo vệ quyền của thanh niên và vị thành niên và đầu tư cho tương lai của các em bằng việc cung cấp giáo dục có chất lượng, công ăn việc làm ổn định, kỹ năng sống hiệu quả và tiếp cận với giáo dục sức khỏe sinh sản và giáo dục tình dục toàn diện bao gồm giới và quyền lực là hết sức cần thiết cho sự phát triển của thanh niên và vị thành niên, gia đình, cộng đồng và đất nước của họ.Nhiều trẻ em gái đang chuẩn bị học xong tiểu học nhưng các em đang gặp phải những thách thức trong việc tiếp cận và hoàn thành giáo dục trung học - một nền tảng kiến thức quan trọng để có thể phát triển trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi.
 
 
Nhóm dân số trẻ vị thành niên lớn nhất từ trước đến nay đang bước vào đời sống tình dục và sinh sản. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều tiến bộ trong việc ngăn chặn mang thai ở tuổi vị thành niên, phá thai không an toàn, tử vong mẹ, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm HIV. Vẫn còn những khoảng trống đáng kể về tính sẵn có, chất lượng và tiếp cận giáo dục tình dục toàn diện và các dịch vụ dành cho thanh niên. Khi trẻ em gái bước vào tuổi vị thành niên và thanh niên, nhu cầu của các em về dịch vụ sức khỏe sinh sản tăng lên một cách rõ rệt. Thiếu tiếp cận với các dịch vụ sức khỏe sinh sản có thể có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và cơ hội của trẻ em gái. Thanh niên vẫn chưa được tham gia vào quá trình ra quyết định những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Khoảng 76% các nước báo cáo rằng đang thực hiện các thủ tục cụ thể và cơ chế để đảm bảo sự tham gia của thanh niên và vị thành niên trong việc đưa ra các quyết định có ảnh hưởng đến họ.
 
Ngày Dân số Thế giới năm nay, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp Tổng cục DS-KHHGĐ phát động mang chủ đề “Đầu tư cho thanh niên” với mục tiêu kêu gọi toàn xã hội quan tâm tới thanh niên để đầu tư cho thanh niên, đầu tư cho tương lai đất nước. Để xây dựng được một lớp thanh niên đủ sức gánh vác những nhiệm vụ lớn lao của đất nước đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ; gia đình và toàn thể xã hội phải phải thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho thanh niên. Chúng ta cũng cần tăng cường các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền của thanh niên, vị thành niên và đầu tư cho tương lai của các em bằng việc cung cấp giáo dục có chất lượng, công ăn việc làm ổn định, giúp các em tiếp cận với giáo dục sức khỏe sinh sản và giáo dục tình dục toàn diện đồng thời bảo vệ các quyền con người cho các em và thực hiện chương trình giáo dục giới tính toàn diện kết hợp với cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản và dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho thanh niên và vị thành niên một cách tế nhị, bí mật, không phân biệt đối xử, không hạn chế về mặt pháp lý và phù hợp với các quy định quốc tế./.
 
                                                                             
Bài:  Lê Ngân
BBT.