An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Tiếc thay trận địa pháo trên núi Tao Phùng.
07:55 | 19/07/2014 Print   E-mail    

 

Trận địa pháo núi Tao Phùng nằm trên mỏm phía Nam của Núi Nhỏ (TP. Vũng Tàu) ở độ cao 176m so với mực nước biển, do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1885-1905. Mặc dù đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là di tích lịch sử từ năm 1993, nhưng đến nay Trận địa pháo núi Tao Phùng chưa một lần được trùng tu - tôn tạo, nên di tích đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng.
 
Một khẩu pháo cổ trên đỉnh núi Tao Phùng đang xuống cấp, chưa được sữa chữa
 
Cùng với các Trận địa pháo Cầu Đá và Núi Lớn, Trận địa pháo núi Tao Phùng hợp thành một trận địa pháo liên hoàn khống chế cả một vùng biển phía Nam và cửa sông Lòng Tàu, con đường thủy huyết mạch ra vào Sài Gòn. Riêng Trận địa pháo núi Tao Phùng do vị trí nằm tại mũi Nghinh Phong nên còn có tác dụng khống chế vùng biển phía Phước Tỉnh và Long Hải; là bằng chứng hùng hồn cho ý đồ thôn tính các dân tộc và đất nước Việt Nam của thực dân Pháp, sau đó là phát xít Nhật...
 
Ngày nay, ngoài ý nghĩa về mặt lịch sử, di tích Trận địa pháo núi Tao Phùng còn có tiềm năng rất lớn về du lịch. Theo quy hoạch tổng thể của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khu vực Núi Lớn - Núi Nhỏ được xem như vùng du lịch trọng điểm của TP. Vũng Tàu. Khi dự án cáp treo hoàn thành, di tích Trận địa pháo núi Tao Phùng và các Trận địa pháo Cầu Đá - Núi Lớn sẽ trở thành những điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan... Nhưng tiếc rằng, cùng với thời gian và sự xâm thực của thiên nhiên, thêm vào đó có cả sự tàn phá của con người, di tích Trận địa pháo núi Tao Phùng đang xuống cấp nghiêm trọng.
 
Hệ thống Trận địa pháo núi Tao Phùng trước đây gồm 3 cụm: Cụm pháo 240mm ở chân Tượng Chúa Kitô; cụm pháo 300mm ở khu vực yên ngựa lưng chừng Núi Nhỏ và cụm pháo 140mm nằm trong phạm vi doanh trại C37. Riêng cụm pháo 240mm nòng dài có 3 khẩu, trong đó 2 khẩu được bố trí quanh khu vực Tượng Chúa dang tay, khẩu còn lại bố trí cách hai khẩu trên khoảng 130m chếch về hướng Tây - Bắc. Đây là cụm pháo nằm gần nơi có nhiều khách du lịch thăm viếng, nên phải chịu đựng cảnh rác rến và các vật dụng phế thải vứt bừa bãi trong vòng công sự bảo vệ ụ pháo. Các cấu kiện mang đỡ nòng pháo bị cắt gỡ nằm nghiêng ngả, phần chịu lực bằng thép dày 30mm cũng bị xé toác ra, tạo nên một cảnh tượng hỗn độn quanh nòng pháo. Phần công sự bảo vệ quanh ụ pháo và phần nền trong ụ pháo bị bong dộp; không những ảnh hưởng đến mỹ quan bản thân di tích mà còn ảnh hưởng không ít cảnh quan chung của khu vực vốn là nơi tham quan của nhiều du khách đến với thắng cảnh nổi tiếng này. Nói chung, tình trạng các khẩu pháo trên núi Tao Phùng cũng không khác gì so với các khẩu pháo trong khu vực, nhiều chi tiết trên thân pháo đã bị tháo dỡ làm...phế liệu. Đặc biệt, phần cốt thép mặt ngoài tường và trần của hệ thống công sự đều bị đục hoặc tháo gỡ bằng bộc phá. Bên cạnh cảnh hoang tàn đổ nát của các khẩu pháo là sự xuống cấp nghiêm trọng của các công sự ngầm, công trình phụ...
 
Ông Phạm Chí Thân, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, cách đây hơn 10 năm, Bảo tàng đã lập phương án trùng tu và tôn tạo di tích này trên tinh thần không xâm phạm môi trường và cảnh quan thiên nhiên; tôn trọng không gian và quá trình lịch sử của một di tích. Phương án trùng tu nhằm mục đích giáo dục truyền thống cách mạng và khai thác tiềm năng du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu. Bên cạnh việc phục chế các khẩu pháo và nâng cấp hệ thống đường hầm, hàng loạt những công trình phục vụ cho hoạt động của di tích sau khi trùng tu - tôn tạo cũng đã được tính tới như: nhà nghỉ chân, nhà vệ sinh công cộng, nhà bảo vệ, hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống cây xanh, hệ thống bia - biển báo và hệ thống điện ánh sáng... Tuy nhiên, theo ông Thân, đề án không được các cấp, ngành quan tâm. Thêm vào đó, địa hình trận địa pháo trên núi Tao Phùng khá phức tạp, thiếu nguyên bản của một khẩu pháo nên công tác trùng tu là rất khó.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.