An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Kết nối bạn đọc với sách báo
09:19 | 09/07/2014 Print   E-mail    

 

 
Ngày nay, công nghệ thông tin đã góp phần làm thay đổi diện mạo và phương thức phục vụ của thư viện. Những thuật ngữ như: Thư viện điện tử, thư viện số, thư viện ảo hay thư viện đa phương tiện đã trở nên khá quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là với những cán bộ thư viện. Tuy nhiên, hình thức thư viện truyền thống vẫn không thể bị mất đi và càng không được xem nhẹ.
 
 
Cùng với sự phát triển của cả nước, ngày nay Thư viện tỉnh cũng đã xoá dần hình ảnh những kho sách cửa đóng, bụi bặm phủ đầy, cách biệt hẳn với bạn đọc. Thay vào đó là những kho sách mở tự chọn, năng động với gần 100.000 đầu sách các loại. Không gian trong các kho sách cũng rất thông thoáng, sạch sẽ được tổ chức theo từng nội dung, từng thể loại… dễ tìm kiếm. Cùng với việc ứng dụng phần mềm CDS/ISIS trước đây và Ilip Me (thư viện điện tử), toàn bộ các kho sách của thư viện đã được đưa vào cơ sở dữ liệu để bạn đọc có thể dễ dàng tra cứu trực tuyến (online).Với hàng chục máy vi tính có nối mạng, gắn headphone, thư viện đa phương tiện thuộc Thư viện tỉnh mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt bạn đọc… Theo phòng công nghệ thông tin Thư viện tỉnh cho biết, nếu như trong thư viện truyền thống người cán bộ thư viện chỉ được biết đến như là người trông coi sách, có nhiệm vụ giữ sách và cho mượn sách thì trong thời đại công nghệ thông tin vai trò của cán bộ thư viện có ít nhiều thay đổi. Các công việc chính của cán bộ thư viện vẫn là: thu thập tài liệu, thông tin, xử lý kỹ thuật tài liệu, làm phân loại, biên mục, tổ chức các hình thức phục vụ, nhưng môi trường làm việc của họ đã được tự động hóa bằng các phần mềm công nghệ thông tin hỗ trợ. Trong khi đó, tại thư viện truyền thống thì bạn đọc không có nhiều dịch vụ để lựa chọn ngoài việc đến thư viện tra tìm tài liệu qua các tủ mục lục truyền thống, ghi phiếu yêu cầu và thông qua thủ thư mượn, đọc tài liệu in trên giấy.
 
Điều đó cho thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thư viện đã giúp cho việc khai thác nguồn tư liệu nhanh chóng và tiện lợi hơn rất nhiều so với trước đây. Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp cho việc khai thác nguồn tư liệu có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thư viện truyền thống vẫn là một mảng hoạt động không thể thiếu tại các hệ thống thư viện trong tỉnh, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Cán bộ Thư viện TP. Vũng Tàu, cho rằng, nếu suy nghĩ trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, mọi thứ đều có thể số hoá và chỉ cần có một chiếc máy tính là bạn có thể tiếp cận được mọi thông tin mà không cần phải đến thư viện nữa là một sai lầm. Hình thức thư viện truyền thống vẫn không thể bị mất đi và xem nhẹ mà nó vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển song song với thư viện điện tử, chúng không loại trừ nhau mà bổ sung cho nhau. Dù khoa học và công nghệ có phát triển đến đâu, máy móc cũng không thể thay thế hoàn toàn cho con người. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà khoa học vẫn thích được đọc tài liệu bằng các sản phẩm dưới dạng in hơn. Dường như đó còn là thói quen của một nền văn hoá đọc đã tồn tại rất lâu trong xã hội của chúng ta.
 
Từ bao đời nay, thư viện là nơi lưu trữ sách báo, nơi chứa đựng kho tàng tri thức của nhân loại. Đọc sách, ngoài tiếp thu tri thức còn là biện pháp tự bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, nâng cao năng lực thẩm mỹ, chiều sâu văn hóa của mỗi con người nên đã có người ví von “Thư viện như là đền đài của văn hoá và sự uyên thâm”. Vì vậy, để phát triển hệ thống thư viện truyền thống bên cạnh các hệ thống thư viện áp dụng công nghệ thông tin, những năm qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã mở rộng quy mô hoạt động của các thư viện từ tỉnh đến xã, ấp. Nhiều mô hình thư viện mới hình thành như Thư viện - Bưu điện văn hóa, Tủ sách pháp luật, Thư viện tại các Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng.... Bên cạnh đó, các thư viện cũng đã nỗ lực tìm giải pháp tôn vinh văn hóa đọc bằng cách tổ chức các hoạt động xã hội như hội thi kể chuyện sách thiếu nhi; triển lãm sách, triển lãm báo Xuân, họp mặt bạn đọc... nhằm kết nối người đọc với sách báo.
 
Bài, ảnh: Như Mây
BBT.