An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Gò Găng không còn là đất “ba không”
08:01 | 09/05/2014 Print   E-mail    

 

 
Thôn 9 (Gò Găng) thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu từng được biết đến với tên gọi thôn “3 không” (không điện, không đường, không nước) nhưng vài năm gần đây, cụm từ này không còn được nhắc đến nữa khi những con đường rộng mở, điện thắp sáng cũng đã được kéo về, nước sạch dần thay thế nước phèn nhiễm mặn…
 
Mở đường, kéo điện và đưa nước sạch về gò găng.
 
Dẫn chúng tôi thăm quan Gò Găng, ông trưởng thôn Nguyễn Văn Trinh vui mừng cho biết, sau gần 40 năm sống không điện, không đường, không nước sạch, thiếu thốn về mọi mặt, những năm gần đây tất cả đã thay đổi hẳn. Năm 2008, cầu Gò Găng được thông xe; đường nhựa chạy vào tận thôn đảo; năm 2010, cầu Chà Và khánh thành nối liền Quốc lộ 51 – Gò Găng – xã Long Sơn. Việc đi lại của người dân ở thôn Gò Găng vì thế dễ dàng hơn. Ngoài đường lớn do nhà nước đầu tư, năm 2011, các hộ dân trong thôn còn tình nguyện hiến đất làm nên con đường dài khoảng 1km từ đầu tổ 4 ra bến Ăn Thịt. “Đường này, không những xe máy, xe đạp mà cả xe hơi cũng chạy được hết ráo. Mặc dù chưa được láng nhựa nhưng nó lại là con đường quan trọng trong thôn. Hàng ngày, người dân đi chợ, người ra bến sông thăm bè hàu, bè cá, học sinh đến trường… cũng đi trên con đường này”, ông Trinh vui vẻ nói.
 
Có cầu, có đường, năm 2011, tỉnh đã đầu tư thêm lưới điện trung thế và hạ thế cho Gò Găng. Dù vậy, các hộ gia đình sinh sống rải rác ở khu vực trũng, bị chia cắt bởi ao, đùng, rừng ngập mặn, xa trục đường giao thông chính Gò Găng - Long Sơn nên không thể kéo lưới điện quốc gia để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. Để có điện thắp sáng, đầu năm 2013, Sở Công thương đã “Ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời để phát điện phục vụ sinh hoạt” đem nguồn điện đến cho 83 hộ gia đình ở các tổ 1, 2, 3, 7 và 8 của thôn Gò Găng. Ngay sau khi hoàn thành hệ thống điện mặt trời, Sở Công thương đã tiếp tục làm cầu nối vận động Công ty CP Đông Á (chủ đầu tư cụm công nghiệp Đá Bạc - Châu Đức) tặng tivi cho tất cả các hộ gia đình được lắp điện mặt trời và một số gia đình nghèo ở Gò Găng.
 
Description: C:\Users\Admin\Downloads\go gang 2.jpg
 
Nước sạch đã về Gò Găng.
 
Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất với người dân trong thôn đó là từ nay họ đã có nước sạch để sử dụng. Gò Găng là vùng đất ngập mặn nên nước bị nhiễm phèn. Nhà nào đào được giếng thì lóng nước ăn dần, cũng có nhà đào giếng mà không có nước, họ phải sang phường 11 hoặc qua Long Sơn mua từng can nước ngọt về dùng. Từ đầu năm 2013, giai đoạn 1 của dự án đưa nước sạch về Gò Găng do Công ty cổ phần Cấp nước BR-VT (BWACO) thực hiện đã hoàn thành. Trong giai đoạn 1, BWACO lắp đặt hơn 2.200m đường ống nước dọc theo tuyến đường xuyên đảo Gò Găng và Long Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 600 triệu đồng. Có 31 hộ dân nằm dọc theo tuyến đường này đã được lắp đồng hồ nước. Các hộ dân còn lại trong thôn có thể sử dụng nước từ 2 vòi công cộng đặt tại tổ 4 và tổ 5. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân ở Gò Găng, BWACO đang tiếp tục đầu tư khoảng 300m đường ống dẫn nước đến những hộ dân khác ở xa các vòi nước công cộng để họ tiện sử dụng.
 
Xây dựng kinh tế mới.
 
Hiện thôn Gò Găng có 202 hộ với 790 nhân khẩu, người dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề làm muối, nuôi trồng thủy sản. Năm 2006, trưởng thôn Nguyễn Văn Trinh và 16 hộ dân trong thôn thành lập HTX nuôi trồng thủy sản Hiệp Thành rồi cùng nhau bàn chuyện làm ăn lớn. HTX do ông Nguyễn Văn Trinh làm chủ nhiệm. Theo ông Trinh, nếu nắm vững kỹ thuật, thực hiện đúng quy trình chăm nuôi hàu thì chỉ cần thả giống 7-8 tháng là có thể thu hoạch. Thu nhập của mỗi xã viên, có khi lãi ròng 70-80 triệu đồng/ năm. Nhờ vậy mà sau 7 năm đi vào hoạt động, HTX Hiệp Thành đã đạt được những kết quả khả quan: nhiều hộ thoát nghèo bền vững, một số hộ làm ăn khấm khá còn xây được nhà mới khang trang, sắm sửa tivi, xe máy… Có lẽ vì vậy mà người dân ở Gò Găng vẫn thường nói “con hàu là con xóa đói giảm nghèo”.
 
Các thành viên trong HTX nuôi trồng thủy sản Hiệp Thành dẫn chúng tôi ra thăm “làng bè hàu” trên sông Chà Và. Trên bè hàu phía gần bến Ăn Thịt, vợ chồng anh Võ Thành Lâm - chị Phùng Thị Kiều mải mê thu hoạch vừa hàu, vừa các loại cá mú. Anh Võ Thành Lâm cho biết, vợ chồng anh hiện có 9 bè hàu, 2 bè cá, 600 cọc, 500 miếng tôn nuôi hàu cắm bãi. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên chỉ vài năm gần đây, vợ chồng anh Lâm – chị Kiều đã xây được ngôi nhà khang trang trên diện tích 105m2. Còn gia đình anh Nguyễn Trung Tâm (tổ 7, thôn Gò Găng) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2006, theo sự hướng dẫn của những người trong HTX Hiệp Thành, anh cũng cắm bè nuôi hàu trên sông Chà Và. Năm 2008, gia đình anh Tâm được công nhận thoát nghèo. Anh xây lại ngôi nhà mới sạch sẽ, khang trang hơn và có tiền trang trải cho con cái học hành. Anh Tâm nói: “Nghề nuôi thủy sản ở làng  bè không chỉ sinh ra tiền cho người dân thoát nghèo mà còn tạo dựng những giá trị về tinh thần của người dân khi gắn bó với vùng sông nước Long Sơn”. 
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.