An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Ứng phó với tình trạng xói lở bờ biển.
08:15 | 06/05/2014 Print   E-mail    

 
Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển nên chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu đặc biệt là tình trạng nước biển dâng gây xói lở bờ biển. Chỉ trong vòng  10 năm gần đây, dọc bờ biển từ Vũng Tàu đến Xuyên Mộc, biển đã tiến rất sâu vào đất liền, đến hàng ngàn m2, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân ven biển.
 
BIỂN “NUỐT” ĐẤT LIỀN
 
Thấy rõ nhất là tình trạng xói lở ven biển là bờ biển Lộc An (huyện Đất Đỏ). Tại đây, biển đã lấn sâu vào đất liền hàng ngàn m2. Theo nhiều người dân địa phương, hơn 10 năm trước, khu vực này có không ít đồi cát cao trên 10 m, rộng trên 50 m. Đi về phía nam Lộc An và cửa sông Ray, còn có những bãi cát trải dài đến 400 m và cao 5,7 m. Nhưng hiện nay nhiều đồi cát đã bị nước biển cuốn trôi. Có những khu vực, biển đã tiến vào sát mặt đường, chỉ cách chưa đầy 200 m. Ông Võ Thành Tâm (xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) cho biết: “Tôi sống ở xóm Cồn (gần biển) hàng chục năm. Năm 1997, tôi dời vào phía trong ở vì đất ngày càng lở”.
 
Không chỉ với tuyến đường, khu dân cư, địa bàn nằm sát biển ở Xuyên Mộc hay Đất Đỏ mà ngay cả tuyến đường huyết mạch của TP.Vũng Tàu (như đường 3-2) mặc dù nằm xa biển nhưng cũng có nguy cơ xói lở vì biển. So sánh số liệu đo đạc thực tế hiện nay với bản đồ địa chính của UBND phường 12 (TP.Vũng Tàu) năm 1993 cho thấy, tại khu vực Trại Nhái trong vòng 10 năm, biển đã lấn vào đất liền hơn 720 m. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, biển đã lấn vào đất liền hơn 80 m. Điều này chứng tỏ tốc độ xâm thực của biển ngày càng nhanh, mạnh. Ngoài ra, nhiều nơi còn bị sạt lở nghiêm trọng khiến những mảng cây xanh, những khu vườn, ao cá, nhà dân bị nhấn chìm xuống biển. Riêng dãy đồi cát chắn sóng ven biển khu vực Trại Nhái đang mất dần. Ông Vũ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND phường 12 (TP. Vũng Tàu) cho biết: “Phường 12 nằm trong khu vực trọng điểm của tình trạng xói lở bờ biển nhưng chỉ có một tuyến đê duy nhất của TP. Vũng Tàu. Nếu tuyến đê không giữ được sẽ ảnh hưởng đến khu vực dân cư và môi trường sản xuất. Nhất là khu vực Cửa Lấp thực trạng bị biển xâm thực rất nặng nề. Hiện nay, đất đai, tài sản của người dân đều đã bị ảnh hưởng”.
 
Tại hội thảo “Phát triển và thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ven biển Việt Nam” do Cục Địa chất Phần Lan phối hợp với Viện Khoa học Khí tượng - Thủy văn và Môi trường, Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức tại TP. Vũng Tàu mới đây, các nhà khoa học cũng đã đưa ra những cảnh báo về tác động của biến đổi khí hậu đến tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo đó, đến năm 2020, mực nước biển tại Bà Rịa- Vũng Tàu sẽ dâng 10 cm.

CẦN TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
 
Biển làm sạt lỡ nhiều bãi cát ở khu vực Trại Nhái, phường 12, TP. Vũng Tàu
 
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, những khu vực xói lở nghiêm trọng và nước biển dâng cao ở Bà Rịa – Vũng Tàu đa phần gần cửa sông lớn, có sóng, gió mạnh, dòng chảy ven bờ phức tạp, nền đất nơi cửa sông lại rất yếu, nếu xây dựng các bờ đê kiên cố và cứng thì không thích ứng. PGS.TS Phạm Quý Nhân, Phó giám đốc Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước cho biết: “Chống xói lở tại các khu vực này có thể dùng đê kè cứng để vừa chống xói lở vừa phục vụ tàu thuyền neo đậu trú bão. Tuy nhiên, việc ứng dụng các giải pháp phải hết sức linh hoạt, cần được nghiên cứu kỹ, phù hợp với quy luật dòng chảy, địa tầng…”. Thực tế, để khắc phục và ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển nghiêm trọng tại khu vực biển Lộc An (huyện Đất Đỏ), Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án thí điểm ứng dụng “công nghệ mềm” Stabilage của Pháp. Sau gần 10 năm triển khai, giải pháp Stabilage mang lại những kết quả khả quan. Không những chống được xói lở, Stabiplage còn giúp phục hồi bãi và dải đồi cát trên 5m, làm đẹp cảnh quan để phục vụ hoạt động du lịch. Tuy nhiên, do giải pháp này chưa được triển khai một cách đồng bộ nên ở 2 đầu đoạn bờ biển chưa ứng dụng công nghệ Stabiplage, hiện tượng biển xâm thực vẫn tiếp tục xảy ra, có đoạn biển đã ăn sâu vào đất liền trên 100 m. Đặc biệt, đoạn bờ biển thuộc ấp An Điền, xã Lộc An, nước biển gây xói lở, ăn thông với đầm phá phía trong tạo thành cửa biển mới.
 
Với những bãi bồi, vùng ngập nước ven biển, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang triển khai trồng cây chắn cát, chắn sóng. Bởi đó là những bức “tường thành” vững chắc che chắn sóng gió, chống xói lở, đồng thời cũng là vùng sinh quyển quý bảo đảm môi trường trong lành, an toàn có lợi cho sức khỏe con người và tạo được cảnh quan đẹp phục vụ phát triển du lịch. Cùng với các giải pháp khoa học công nghệ ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp như: kiên quyết cấm khai thác cát vùng cửa sông, ven biển, nhất là tại các khu vực thường xảy ra tình trạng sạt lở. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người khu vực ven biển về bảo vệ tài nguyên, môi trường sống, về những tác nhân gây biến đổi khí hậu càng được tăng cường. Hơn ai hết, cộng động dân cư mới thật sự là lực lượng giám sát, bảo vệ tốt nhất môi trường sống cho chính mình.
 
Bài, ảnh: Hoa Hạ
BBT.