An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Người lần theo câu ca đi tìm hương vị món ngon xứ Nghệ Tĩnh ở Vũng Tàu
08:28 | 16/05/2014 Print   E-mail    

 

Trong quá trình sinh sống ở Vũng Tàu, chị Phan Lan Hoa (quê Hà Tĩnh, ngụ tại 183/103 Nguyễn Hữu Cảnh, TP. Vũng Tàu) đã tìm công thức chế biến các món ăn Nghệ An, Hà Tĩnh qua ca dao, tục ngữ, hò, vè, hát ví dặm… Từ năm 2006 đến nay, có 150 món ăn xứ Nghệ Tĩnh được “tìm lại” cũng là ngần ấy công thức chế biến được chị Hoa tìm hiểu từ kho tàng văn học Nghệ Tĩnh rồi chị viết thành thơ.
 
CÔNG THỨC NẤU ĂN BẰNG THƠ
 
Trong bữa cơm tối ấm cúng tại nhà chị Phan Lan Hoa, được thưởng thức những món ăn theo công thức riêng của chị, nghe kể những câu chuyện liên quan đến văn hóa ẩm thực xứ Nghệ Tĩnh, chúng tôi thấy bữa ăn thật đậm đà hương vị xứ Nghệ. Bất giác lòng tôi nhớ quê, nhớ những làn khói lam chiều toả ra từ bếp quê của bà, của mẹ.
 
Chị Phan Lan Hoa cho hay, “đem văn chương Đồ Nghệ xắt miếng ra mà nấu” chẳng phải là một thú chơi “ngông” nhưng cũng cần có sự… liều lĩnh. “Bởi người đời ai cũng biết, văn chương đồ nghệ sắc như dao, lại xanh như nước hồ trên đỉnh Ngàn Hống, cay hơn ớt, mà ngọt hơn đường, mặn hơn muối của biển cả”. Nhưng bằng tấm lòng đam mê nấu ăn và tình yêu văn hoá ẩm thực xứ Nghệ Tĩnh, chị đã tự mày mò tìm hiểu, học hỏi, thử nghiệm, chế biến thành công gần 150 món ăn dân dã quê nhà như: nham (gỏi làm từ củ chuối), cá thu kho nước chè xanh, mắm cáy, nhút, cà muối, cá mòi kho rau răm… Ngoài việc nấu theo công thức được đúc kết trong các câu ca dao, ví dặm, hò, vè, chị Phan Lan Hoa còn sáng tạo ra những công thức riêng để phù hợp với khẩu vị của mọi người thời nay.
 
Theo chị Phan Lan Hoa, trong kho tàng ca dao, tục ngữ, dân ca, ví dặm… Nghệ Tĩnh nói riêng và kho tàng văn học dân gian Việt Nam nói chung có khá nhiều công thức nấu ăn. Mượn lời ru của mẹ để tìm công thức chế biến món ăn cũng được chị áp dụng: “Ầu ơ… Cải xanh mà nấu với gừng. Chưa ăn thì chớ xin đừng vội chê” hoặc “Ầu ơ… Mẹ già cầm rựa ra nương. Gặp đụt măng lổ, chặt bưng về nhà. Hết kho diếc, lại muối chua. Vịt kêu nấu xáo, gà ưa măng hầm”. Giữa văn học và ẩm thực xứ Nghệ Tĩnh có mối liên hệ mật thiết với nhau. Có khá nhiều nhà văn, nhà thơ viết về ẩm thực xứ Nghệ. Nhà thơ Huy Cận là một ví dụ: “Ai ơi cà xứ Nghệ. Càng mặn lại càng dòn. Nước chè xanh xứ Nghệ.Càng chát lại càng ngon”. Xưa kia, người Nghệ Tĩnh thông minh, linh lợi vì đã đưa món ăn quê hương mình vào thơ ca để truyền đời cho con cháu. Vì vậy, khi muốn thuyết phục ai đó rằng món ăn này là gốc gác của xứ Nghệ, chỉ cần đem thơ ra là có cơ sở. Chẳng hạn: “Ngày chẵn em đi chợ Chùa. Cá thịt bảy dãy, em chỉ mua nham về. Ngày lẻ chợ Sở sát kề. Em lượn nửa buổi chỉ mua về đùm nham”.
 
Ngoài chế biến các món ăn từ thơ, ca, chị Phan Lan Hoa còn sáng tạo nên công thức nấu ăn độc đáo bằng cách viết thành thơ như: “Cá thu – mật mía – chè xanh. Dân dã xứ Nghệ quê mình nhớ lâu. Cá thời thái lát đều nhau. Rửa qua nước muối phơi mau một ngày. Than hồng quạt lên nướng ngay. Trở đều hai mặt cho tày vàng au. Quýt tắt nửa vỏ cho vào. Hành khô, ớt bột, nước màu gia thêm. Dầu ăn, tiêu, nghệ đừng quên. Mắm, đường, mì chính lại thêm nước chè. Nhỏ lửa rim từ từ nhe. Khi nào nước sánh màu về nâu non. Cơm đà chín tới dậy thơm. Dọn thêm đĩa nhút ăn kèm khỏi chê. Ai về xứ Nghệ thì về. Cá thu cửa Nhượng, nước chè Hương Sơn”. Chị Phan Lan Hoa có thể viết công thức nấu ăn thành thơ Đường, lục bát hoặc sáng tác nối tiếp sau các bài vè… Công thức các món ăn đó cùng bài viết bàn về ẩm thực xứ Nghệ được chị đăng tải trên website: vidamdodua.com – website do chị Phan Lan Hoa thành lập để chia sẻ đến đông đảo công chúng. 
 
XUẤT PHÁT TỪ TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG
 
Là người xa quê nên tình yêu quê hương trong chị Phan Lan Hoa luôn tha thiết và chị muốn giữ gìn tình yêu đó bằng cách “tìm lại” ẩm thực quê nhà trong thơ ca. “Mỗi khi con người ta xa quê hương, ai cũng có một góc tâm hồn chứa đầy hương vị quê nhà. Hương vị quê nhà ấy đâu chỉ mỗi hương bưởi, hương cau mà còn là hương vị từ những món ăn tưởng chỉ để nuôi phần thể xác ta lớn, hoá ra lại là thứ cốt yếu nuôi chính phần hồn trong ta” – chị Phan Lan Hoa chia sẻ. Lần tìm trong kho tàng văn học xứ Nghệ và từ thực tế của cuộc sống chốn quê nhà, chị Phan Lan hoa đã chế biến thành công gần 150 món ăn. Với gần 150 món ăn có hương vị khác lạ mà không vùng miền nào của nước ta giống, chứng tỏ xứ Nghệ Tĩnh xưa kia là vùng đất có nền văn hoá ẩm thực phát triển mạnh mẽ. Vì thế, Phan Lan Hoa muốn giữ lại “hồn xứ Nghệ Tĩnh” qua các món ăn để không bị thất truyền. Với người dân xứ Nghệ Tĩnh, miếng cà mặn ngoài đời còn thua cả sự mặn mòi trong tâm hồn. Chính vì vậy, trong công thức gia giảm món ăn của chị Phan Lan Hoa, không chỉ có hành, tỏi, mắm, muối thông thường mà còn có cả “hương vị tâm hồn” mới hòng đủ độ đậm đà như chính người dân xứ Nghệ vậy.
 
 
Chị Phan Lan Hoa nhớ lại: Có những ngày chị ngồi đọc các bài ca dao về xứ Nghệ Tĩnh để tìm công thức nấu ăn, sau đó mải mê chế biến, chụp ảnh, viết bài về món ăn đó, đến khi hoàn tất thì trời đã khuya, bà con lối phố đã ngủ từ lâu. Không những học công thức nấu ăn từ nền văn học xứ Nghệ Tĩnh mà chị còn cất công về các vùng quê của Nghệ An và Hà Tĩnh để tìm hiểu các món ăn của người dân tại đây. “Nhưng tôi vẫn không thấy mệt, trái lại rất tâm đắc vì đã biết thêm hương vị ẩm thực quê nhà” -chị Phan Lan Hoa vui vẻ nói.
 
Chị Phan Lan Hoa cho biết thêm, trên website: vidamdodua.com, chị đăng tải các bài sưu tầm về ẩm thực Nghệ An, Hà Tĩnh; bản sắc văn hóa xứ Nghệ qua các bài ví dặm, vè, thơ, văn; giai thoại Đồ Nghệ; lịch sử Nghệ An, Hà Tĩnh; các bài viết về ẩm thực, văn hóa và thơ của chị Phan Lan Hoa…
 
Bài, ảnh: Nguyệt Cát
BBT.