An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Đẩy mạnh công tác phòng, chống và sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A(H7N9)
09:42 | 13/02/2014 Print   E-mail    

 

 
 
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): sau một thời gian tạm lắng, dịch bệnh cúm A(H7N9) tại Trung Quốc đã bùng phát trở lại và diễn biến hết sức phức tạp với số ca mắc tăng cao đột biến, đặc biệt có thêm người mắc chủng cúm mới H10N8; tính đến ngày 6/2/2014, đã ghi nhận được 161 trường hợp mắc mới, trong đó có 16 trường hợp tử vong, nhiều hơn so với số tích lũy của cả năm 2013 (năm 2013 ghi nhận được 147 trường hợp mắc, 57 trường hợp tử vong), phần lớn các trường hợp mắc có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.
 
Đặc biệt tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) - một tỉnh giáp biên giới và là nơi có giao lưu thương mại, hành khách qua lại với nước ta đã ghi nhận 16 trường hợp mắc, trong đó có 01 trường hợp tử vong.
 
Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người và gia cầm; tuy nhiên dịch cúm A(H5N1) đang có nguy cơ bùng phát trở lại tại các địa phương. Chỉ trong tháng 1/2014, cả nước đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp, và vào ngày 12/2/2014, tại thành phố Kon Tum (Đắc Lắc) đã xuất hiện một ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn gà 600 con. Đáng chú ý, 1 cán bộ thú y phường sau khi tới kiểm tra ổ dịch về nhà có hiện tượng mệt mỏi, chóng mặt… phải nhập viện và hiện đang được các bác sĩ theo dõi đề phòng khả năng bị nhiễm cúm gia cầm A/H5N1.
 
Chọn mua các sản phẩm gia cầm sạch nguồn gốc rõ ràng
là biện pháp tốt nhất để phòng chống dịch cúm gia cầm
(hình minh họa)
 
Trước tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9) đang diễn biến hết sức phức tạp, Bộ y tế đã tổ chức họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Bệnh cúm A(H7N9) và nhận định cúm A(H7N9) có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào nước ta. Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường quan tâm và chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức Chính trị-Xã hội liên quan triển khai ngay các hoạt động ứng phó với dịch bệnh cúm A(H7N9) tại các cửa khẩu và tại cộng đồng; thực hiện điều tra, ngăn chặn và bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch; sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh cúm A(H7N9) khi dịch xâm nhập và bùng phát tại nước ta theo phương châm 3 tại chỗ: con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ và thuốc men tại chỗ; mở rộng việc thu thập các mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút tại các bệnh viện, đặc biệt các trường hợp có tiền sử đi về từ khu vực có dịch hoặc tiếp xúc với gia cầm. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, cần tổ chức điều trị, cách ly sớm, cấp cứu kịp thời không để xảy ra tử vong và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng, kéo dài…
 
Đối với người dân, để đề phòng dịch cúm A(H7N9) cũng như cúm A/H5N1, H10N8… mỗi người dân nên vệ sinh cá nhân và vệ sinh ăn uống hàng ngày theo khuyến cáo của Bộ y tế như: Thường xuyên rửa tay bằng xà bông và nước sạch (trước khi ăn, trước khi chế biến và nấu ăn, sau khi tiếp xúc với gia cầm và sau khi đi vệ sinh); Không sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm mắc bệnh hoặc gia cầm chết; Không sử dụng thực phẩm mất vệ sinh, không rõ nguồn gốc; Không ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm chưa được chế biến hợp vệ sinh; Nên mua thực phẩm ở những cửa hàng uy tín và đã được kiểm dịch; Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn thực phẩm; Đến ngay cơ sở Y tế gần nhất để khám và điều trị khi có hiện tượng như sốt cao trên 38oC, ho, đau ngực, khó thở, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi sau khi tiếp xúc với gia cầm…
 
Chủ động phòng chống dịch cúm A(H7N9) là tự bảo vệ chính bản thân mình và cộng đồng.
 
Bài: Dung Đoàn
BBT.