An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Lễ hội và văn hóa của lễ hội.
08:10 | 10/02/2014 Print   E-mail    

LỄ HỘI VÀ VĂN HÓA CỦA LỄ HỘI
----------------
Đầu năm là mùa của lễ hội.Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa vừa trang trọng, linh thiêng, vừa tưng bừng, náo nức. Lễ hội trở thành nơi công chúng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Ðồng thời là nơi người dân được vui chơi, giải tỏa, bù đắp về tinh thần.
Tháng giêng là tháng “ăn chơi” cũng là tháng của những miền lễ hội.Trải khắp các vùng từ xuôi lên ngược, sâu trong những làng quê thuần hậu, nơi tín ngưỡng dân gian và truyền thuyết, huyền sử hòa trộn, các lễ hội mang đến một nét đẹp văn hóa đậm tính Việt hơn hết…Và điều đó một lần nữa cho thấy khi lễ hội thật sự là của làng, của dân thì những nhốn nháo kim tiền, những phù hoa giả tạo… như đã thấy lâu nay sẽ bị đẩy lùi.
 
Ngày 2/12/2013, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cho biết, mỗi năm cả nước ta có gần 8000 lễ hội với lượng khách tham gia rất đông. Cũng giống như các tỉnh khác ở Việt Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều lễ hội dân gian: Lễ hội Dinh Cô, lễ Nghinh Ông, lễ hội Thần Thắng Tam, Lễ hội Miếu Bà…Những lễ hội này không thể thiếu được trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bà Rịa – Vũng Tàu, nó là nét đẹp văn hóa tâm linh được truyền từ đời này sang đời khác. Hằng năm có rất nhiều du khách trong và ngoài Tỉnh đến tham dự lễ hội với ước mong cho mình và những người thân của mình sức khỏe tốt, thành công, may mắn trong mọi lĩnh vực.
Lễ hội Miếu Bà Vũng Tàu
Lễ hội Dinh Cô Vũng Tàu
Một lần nữa ta có thể thấy rằng, lễ hội trở thành nét văn hóa tinh thần không thiếu trong đời sống cộng đồng người Việt. Lễ hội kéo dài từ khi tết mới bắt đầu đến khi tết đã qua và cả các tháng khác trong năm nữa. Lễ hội trải dài từ nông thôn đến thành thị và tiêu tốn không ít tiền bạc lẫn công sức, thời gian…Lễ hội, phần lớn có nguồn gốc từ tín ngưỡng, luôn thu hút được sự quan tâm và tham gia đông đảo của người dân từ mọi nơi với mọi thành phần xuất thân. Người ta đến với lễ hội là tự nguyện và bằng một niềm tin mạnh mẽ, ăn sâu vào tiềm thức. Lễ hội là một phần quan trọng của truyền thống văn hóa người Việt, và không ai nghĩ rằng nếu một ngày nào đó không có lễ hội, nền văn hóa dân tộc sẽ thay đổi như thế nào!
Tuy nhiên thời gian qua, từ thực trạng của hoạt động lễ hội, dường như ý nghĩa thiêng liêng đó đã ít nhiều suy giảm trước sự xâm lấn của yếu tố xã hội hóa, thương mại hóa và các hiện tượng tiêu cực khác. Một số người dân trong xã hội đã dựa vào nét đẹp văn hóa này để trục lợi cho mình như bày bán tràn lan những đồ lưu niệm quanh lễ hội với giá cắt cổ, giữ xe sai giá quy định, móc túi, rồi một số người giả làm ăn xin trước cửa lễ hội...đã phần nào làm mất đi nét đẹp vốn có của lễ hội
Trả lại giá trị, ý nghĩa đích thực của lễ hội bằng việc siết chặt quản lý về công tác tổ chức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế để lễ hội không bị biến tướng hay bị hiện tượng tiêu cực làm mờ nhạt nét đẹp truyền thống. Phải để cho chính người dân bảo vệ lễ hội của dân gian, có như thế mới đảm bảo ý nghĩa tích cực của lễ hội được lan tỏa một cách mạnh mẽ trong cộng đồng./
 
Bài: Lê Ngân
BBT