An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Giáo dục cho trẻ về lòng nhân hậu và tình yêu thương.
05:12 | 13/11/2015 Print   E-mail    


Những năm gần đây, khi chúng ta bước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, con trẻ thường hay được tiếp xúc với thế giới của công nghệ thông tin. Dường như rất nhiều trẻ con thời nay thường hay vô cảm, thờ ơ với những thứ diễn ra xung quanh mình, thiếu đi tình yêu thương, lòng nhân hậu. Nhiều trẻ em còn không biết lễ phép, hỗn với người lớn, cha mẹ, thầy cô giáo… Chúng ta đều biết rằng biết yêu thương con người, biết sẻ chia, quan tâm đến người khác là một trong những tính cách cơ bản mà bất cứ ai cũng phải có. Để bé định hình những tính cách tốt, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện sau này của bé, bố mẹ cần dạy cho con trẻ biết về tình yêu thương, lòng nhân hậu. 

(Hình minh họa)

Mỗi chúng ta cần giúp trẻ cảm thấy mình luôn được yêu thương, trước tiên là tình yêu, sự quan tâm của gia đình, họ hàng. Bất cứ ai cũng có thể phạm sai lầm nhưng cảm giác bị ghen ghét rất có thể khiến trẻ có những suy nghĩ lệch lạc. Chú ý, lắng nghe trẻ là một giải pháp hay để trẻ cảm nhận rõ ràng sự yêu thương của cha mẹ. Sự chia sẻ nhẹ nhàng để tìm hiểu tâm trạng, hướng dẫn giải pháp hiệu quả cho con khi con gặp phải vấn đề nào đó (và phải nghiêm túc, cứng rắn khi cần để trẻ cảm nhận được “quy tắc” ứng xử của cha mẹ).

Cảm nhận được tình yêu thương, lòng nhân hậu, vị tha, sự chăm sóc tận tình của cha mẹ, trẻ sẽ củng cố được sự tự tin và cảm giác an toàn cần thiết. Ngoài ra, chúng ta cần giáo dục cho trẻ hiểu rằng có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu như: quan tâm, hỏi han mọi người, chia sẻ, giúp đỡ khi họ cần hay đơn giản chỉ là cố gắng chăm ngoan, học tốt để vui lòng ông bà, cha mẹ… Chú ý, khi nói chuyện về vấn đề này cần sử dụng ngôn từ rõ ràng, dễ hiểu và nêu những ví dụ minh họa cụ thể. Đây có thể là vấn đề cần học tập suốt đời và tình yêu trong gia đình là yếu tố tác động trực tiếp và sâu rộng tới thái độ ứng xử tích cực của trẻ với người khác.

Hãy để bé cảm nhận chúng luôn được yêu thương, che chở trước hết là từ bố mẹ, gia đình, họ hàng. Hãy yêu thương trẻ bằng cách quan tâm đến suy nghĩ, tình cảm, lắng nghe ý kiến, tâm sự của chúng, không để trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, hướng dẫn giải pháp hiệu quả cho trẻ khi trẻ gặp phải vấn đề nào đó, để ý đến những sở thích của trẻ,… khi trẻ cảm nhận được tình yêu thương và hạnh phúc với sự yêu thương, quan tâm của người khác thì trẻ sẽ hình thành được tính cách biết yêu thương bố mẹ và những người đã yêu thương chúng. Đừng để cho bé phải sống trong cảnh bạo lực, đòn doi,  bị ngược đãi…

Chúng ta cần phân tích cho bé hiểu rõ bản chất và cách thức thể hiện của tình yêu thương con người và lòng thông qua những hành động cụ thể như: Biết kính trọng người lớn tuổi, biết nhường nhịn cho em nhỏ, biết sẻ chia với bạn bè, biết giúp đỡ người gặp khó khăn, biết quan tâm, hỏi han người khác khi ốm đau, mệt nhọc…. Và ngay cả việc bé luôn biết nghe lời, chăm ngoan, học giỏi cũng chính là biểu hiện của việc bé biết yêu thương con người, yêu thương bố mẹ rồi. Bạn đừng cứ suốt ngày nói bé phải yêu thương con người, phải thế này, phải thế khác mà không chỉ ra cho bé những hành động, những biểu hiện cụ thể bé cần phải làm bởi như thế bé sẽ không hiểu mình nên làm gì, làm thế nào mới gọi là yêu thương con người.

Hãy để cho con trẻ nói lời yêu thương một cách thật lòng với mọi người xung quanh, đặc biệt là với người thân. Vì tình thương yêu, lòng nhân hậu có sức mạnh rất lớn, nó giúp người khác vững tin hơn trong cuộc sống, giúp người khác vượt qua gian khổ, nó cảm hóa và làm thay đổi những người sống chưa tốt... Tình yêu thương làm cuộc đời này đẹp hơn. Tình yêu thương của ta đưa người khác đến đỉnh cao của thành công và đưa ta vượt lên trên những điều tầm thường. Tình yêu thương là điều quý giá nhất trên đời mà người với người có thể trao tặng nhau. Rất nhiều người hối hận vì chưa kịp nói lời yêu thương với người thân khi người thân của họ còn sống. Vì vậy đừng ngại nói lời yêu thương với những người mà ta quý mến họ và chúng ta nên dạy cho con trẻ sớm nhận ra điều đó./.    

                                                                                

                                                                                        Bài: Lê Ngân, BBT