An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Thành phố Vũng Tàu đẩy mạnh việc thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá
07:19 | 21/11/2015 Print   E-mail    

 

Trước tác hại của thuốc lá gây ra cho con người, theo con số mà tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố thì tại Việt Nam tỉ lệ hút thuốc lá ở người trưởng thành là 47,4% nam giới, như vậy là cứ 2 nam giới là có 1 người hút thuốc lá; số người tử vong do hút thuốc lá tại Việt Nam là 40.000 người/năm, đồng thời cũng cảnh báo nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả thì con số này sẽ tăng lên là 70.000 ca tử vong năm 2030. Trong tháng 11-2015 UBND thành phố Vũng Tàu đã liên tục ban hành các văn bản về phòng chống tác hại của thuốc lá đó là Kế hoạch 127/KH-UBND ngày 03-11 về phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2015; công văn số 4164/UBND-VP ngày 16-11 về việc triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống tác hại của thuốc lá.

Văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Vũng Tàu với trọng tâm là tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về những tác hạn của thuốc lá, các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng chống tác hại thuốc lá bao gồm: Luật phòng chống tác hại thuốc lá năm 2012; Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế mà cụ thể là thuốc lá; Quyết định 229/QĐ-TTg của Thủ tướng về chiến lược Quốc gia PCTHTL và một số văn bản chỉ đạo liên quan đến PCTHTL của Bộ Y tế, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. 

(Tranh cổ động phòng chống tác hại thuốc lá, Lại Giang: sưu tầm)

Thuốc lá là một loại cây có độc, nhất là những lá già, có hàm lượng Nicotin cao. Người lớn có thể chết do dùng khoảng 15 – 20g thuốc lá dưới dạng thuốc nước, trẻ con uống một vài gram sẽ tử vong. Chỉ cần vài giây sau khi rít một hơi thuốc lá vào phổi, chất Nicotine kích thích lên hệ thần kinh trung ương và lên toàn cơ thể, cho nên khi hút thuốc lá, người hút có thể thấy trí óc sáng suốt và làm việc có hiệu quả hoặc trong những lúc căng thẳng, lo âu, thuốc lá có thể làm cho người hút cảm thấy thư giãn và bình tĩnh hơn. Tuy nhiên trên thực tế nếu càng hút nhiều, cơ thể bị kích thích tiết các chất nội tiết tố liên tục cho đến khi các chất này bị cạn kiệt, lúc ấy thay vì có cảm giác sảng khoái, người bệnh lại thấy mệt mỏi hơn, khó tập trung tư tưởng, cáu gắt và suy sụp tinh thần mau chóng. Tiếc rằng phần lớn những người nghiện thuốc lá lại không ý thức được vấn đề này, khi họ hút thuốc mà không thấy sảng khoái thì lại có khuynh hướng tăng liều, nên càng lúc càng nghiện nặng hơn và phải gánh chịu những hậu quả rất tồi tệ. Sự thèm muốn hút thuốc còn xuất hiện khi người nghiện tiếp xúc với điếu thuốc lá.

Việc sử dụng thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người hút thuốc mà còn ảnh hưởng đến những người bị ảnh hưởng bởi khói thuốc. Các nguy cơ bệnh lý thường gặp khi hút thuốc lá chủ động: Bệnh lý ở hệ hô hấp, bệnh lý hệ mạch máu, ung thư, bệnh hệ thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Những người không hút thuốc nhưng lại phải chung sống hay cùng làm việc với những người nghiện thuốc lá, vẫn có nguy cơ bị bệnh rất cao do hít phải khói thuốc thụ động đối với người lớn: gây ung thư phổi và các bệnh khác, đối với trẻ em: dễ bị viêm phế quản phổi mạn tính với những đợt cấp, bệnh lý về Tai - Mũi – Họng, nhức đầu...

Từ những tác hại của thuốc lá đối với bản thân và người xung quanh, việc xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP: Phạt Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm, bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với chủ cơ sở không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá, không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi.  Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá, bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.

Mỗi người, mỗi cấp, ngành, đoàn thể cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong PCTHTL, mỗi cá nhân kiên trì trong việc bỏ thuốc lá, mỗi cơ quan đơn vị xây dựng môi trường không thuốc lá tại nơi làm việc, khu vực công cộng, đồng thời phải tập trung xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan PCTHTL, có như vậy thì nhiệm vụ PCTHTL mới được thực thi và thực sự đi vào cuộc sống./. 

 Bài: Lại Giang, BBT