An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Học tập Bác Hồ trong công tác chăm sóc thiếu niên, nhi đồng Việt Nam
07:33 | 18/06/2015 Print   E-mail    

 
Trong “Tháng hành động vì trẻ em” có rất nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính quyền, các Đoàn thể và của từng gia đình đến các em thiếu nhi trong toàn quốc. Chúng ta không khỏi nhớ tới những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam.
 
         
          Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới,lúc sinh thời qua thơ, vănvà những bài nói chuyện của mình, Bác luôn ẩn chứa một thông điệp về tinh thần yêu nước, thương nòi và khát khao giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đối tượng phản ánh trong thơ, văn của Bác rất phong phú nhưng trong đó các cháu thiếu niên, nhi đồng chiếm một vị trí quan trọng, nổi bật nhất là câu thơ Bác viết về thiếu nhi “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn, ngủ biết học hành là ngoan”đã thể hiện tình yêu thương vô bờ bến đối với trẻ em nước nhà.
 
Trẻ em như búp trên cành, thật là nhỏ nhoi, tươi non và cần được chăm sócnuôi dưỡng, được học hành đến nơi đến chốn, trẻ em được ví như mầm non là tương lai của đất nước.Và khi mỗi trẻ em biết ăn, biết ngủ, học hành tốt chính là một trẻ em ngoan ngoãn, vừa lòng cha mẹ. Câu nói nhẹ nhàng của Bác dành cho trẻ em, chứa đựng tất cả tình yêu thương, sự chăm lo của Bác. Ngoài sự chăm lo, tình yêu thương Bác còn mong mỏi ở các cháu thiếu niên, nhi đồng có sự đóng góp chung cho cách mạng. Năm 1942 Bác viết bài thơ “Trẻ chăn trâu” để vạch mặt kẻ gây ra nỗi khổ đau cho nhân dân Việt Nam nói chung và trẻ em nói riêng là “Ấy là vì Nhật, vì Tây/Ra tay vơ vét, đọa đày chúng ta/Làm cho tan cửa nát nhà/Trẻ em vất vả người già đắng cay”. Vì vậy, Người kêu gọi tất cả chúng ta trong đó có cả các cháu thiếu niên, nhi đồng phải đoàn kết lại “Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây/Anh em ta mới có ngày vinh hoa/Nhi đồng cứu quốc hội ta/Ấy là lực lượng ấy là cứu tinh/Ấy là bộ phận Việt Minh/Dân mình khắc cứu dân mình mới xong/Ai nghe mà chẳng động lòng/Khá khen con trẻ mục đồng Việt Nam”. Lời kêu gọi ấy của Bác Hồ có sức lan tỏa mãnh liệt trong thiếu niên, nhi đồng cả nước và đã có biết bao tấm gương thiếu niên, nhi đồng anh dũng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc mà tiêu biểu là Kim Đồng, Vừ A Dính...
 
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đập tan ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, trẻ em được sống trong niềm hân hoan ca hát, trong tình yêu thương vô bờ bến của Bác. Tình yêu của Bác còn được thể hiện rõ trong những bài thơ chúc Tết Trung thu được Bác viết trong những năm về sau … Vẫn đầy ắp tình yêu thương dành cho con trẻ, vẫn là những lời căn dặn hết sức gần gũi, thân thương các em như được bồi đắp tinh thần yêu nước, khí phách kiên cường đấu tranh vì nền độc lập của nước nhà. “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng” và Bác “Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Để tham gia kháng chiến/Để giữ gìn hòa bình/Các cháu hãy xứng đáng/Cháu Bác Hồ Chí Minh”. Mỗi lần đọc những vần thơ Bác viết cho thiếu nhi, trẻ em như được sống trong tình thương yêu của Bác, như được nghe lời Bác dặn dò nỗ lực học tập, vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi, chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước. 
 
Ngày nay cuộc sống được nâng lên, miếng cơm manh áo không còn quá chật vật, tuy Bác đã đi xa, thực hiện lời dạy của Người, từ trong đạo lý truyền thống đến các chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng và Chính phủ, chúng ta luôn dành cho trẻ em mọi ưu tiên, mọi sự che chở, bảo vệ cao nhất. Nhà nước đã chi những khoản tiền rất lớn để chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi còn trong bào thai cho đến khi trưởng thành mà việc chăm sóc.Giáo dục trẻ em còn là một phong trào xã hội rộng lớn mang lại hiệu quả thiết thực và vô cùng quan trọng. Hàng năm, nhân dân đã chi hàng nghìn tỷ đồng vào việc dạy dỗ, bảo vệ sức khỏe cho con em. Các đoàn thể xã hội, cơ quan, xí nghiệp, các nhà hảo tâm đã góp hàng triệu mét vuông đất xây trường, nơi vui chơi cho các em và hàng ngàn tỷ đồng lập quỹ khuyến học, quỹ học bổng, các giải thưởng cho những ý tưởng sáng tạo, giúp đỡ trẻ em nghèo vượt khó v.v… Quan trọng hơn cả tiền bạc là công lao dạy dỗ, rèn luyện đạo đức, văn hóa, sức khỏe cho các em. Thực tế có rất nhiều em đã trưởng thành và có nhiều đóng góp trong phong trào “Cháu ngoan Bác Hồ” mà điển hình là những tấm gương được biểu dương, tôn vinh trong Đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ” năm 2015 vừa được tổ chức tại Hà Nội.
 
            Bên cạnh những thành tựu đã đạt được chúng ta thấy vẫn còn có những yếu kém trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Thật đau lòng khi còn nhiều nguy cơ như trẻ em chưa được chăm sóc sức khỏe tốt; trẻ em bị bóc lột và lạm dụng kể cả lạm dụng tình dục; trẻ em lang thang, nghiện hút, hư hỏng vì bị bạo hành, ngược đãi và những bất hạnh khác…
 
Trong “Tháng hành động vì trẻ em” năm nay, cụ thể hóa việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng. thực hiên tốt kế hoạch tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “ hãy nghe trẻ em nói” để các cháu vươn lên trở thành con ngoan trò giỏi, chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.
                                                                             Bài: Trọng Chu
BBT.  
.