An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Phòng bệnh tiêu chảy thường gặp vào mùa hè cho trẻ em và người già
08:01 | 07/05/2015 Print   E-mail    

 
Với đặc điểm của xứ nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều, mùa hè thời tiết oi nóng tạo điều kiện của nhiều bệnh, trong đó đáng lưu ý nhất là các bệnh do nhiễm vi rút, rota, khuẩn E.coli, vi khuẩn, ký sinh trùng, kèm theo đó tỷ lệ người bệnh mắc tiêu chảy càng tăng cao. Tiêu chảy là một bệnh thường gặp nhưng lại có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là những đối tượng người già và trẻ em.


                                                (Minh họa)

Ở trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ cao mắc một số bệnh nguy hiểm. Do đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng bệnh này. Số lượng trẻ em đến khám tại các trung tâm y tế tăng cao vào mùa hè. Cần phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cho con em chúng ta.Ở người già, thường gặp ở những người có bệnh mãn tính ở đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày tá tràng cũng dễ bị tiêu chảy. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, thường bị mất nước nặng, gây rối loạn điện giải, cơ thể suy kiệt, mắc thêm các bệnh khác và có thể dẫn đến tử vong.
 
Tác nhân gây tiêu chảy thường qua đường phân - miệng: phân người bị tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống hoặc do tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây bệnh. Các trường hợp mắc bệnh sống trong khu vực có điều kiện vệ sinh thấp kém, sàn nhà ẩm thấp, nước ao hồ tù đọng, sử dụng cầu tiêu trên ao cá và rác thải không được thu gom xử lý. Hoặc do thiếu vệ sinh, thức ăn dơ bẩn, ôi thiu, nước không đun sôi…, các vi khuẩn có hại xâm nhập vào đường ruột, sinh sôi phát triển và lấn át các vi khuẩn có lợi, tiết ra các chất độc gây tiêu chảy.Bệnh tiêu chảy rất dễ mắc và khá nguy hiểm vì nó có thể lây truyền nếu người dân thiếu kiến thức về phòng tránh, vệ sinh ăn uống và vệ sinh cá nhân kém dẫn đến tiêu chảy, trong trường hợp nghiêm trọng bệnh nhân đi tiêu chảy kéo dài 2 ngày; đau bụng dữ dội; thiệt độ trong người trên 38 độ C; đi tiêu chảy có máu trong phân; dấu hiệu mất nước, cần phải đến cơ sở y tế để bác sĩ chỉ định điều trị. Nếu bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày dẫn đến tình trạng mất nước và chất điện giải làm cho bệnh nhân bị trụy tim mạch cấp tính trong khoảng thời gian ngắn có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Khi bị tiêu chảy chúng ta nên làm theo hướng dẫn sau:
 
Bù nước bằng đường uống dung dịch oresol, truyền nước chỉ thực hiện khi mất nước nặng, nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù bằng đường uống được.
 
Nếu là trẻ nhỏ cần cho bú sữa mẹ nhiều hơn. Việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy. Đồng thời y tế địa phương cũng phối hợp tăng cường các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại khu vực xảy ra dịch cũng như thực hiện các Biện pháp phòng tránh bệnh tiêu chảy trên diện rộng.
 
Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng; giữ gìn khu nhà vệ sinh, đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy nên rắc ít vôi bột hoặc cloramin B sau mỗi lần đi tiêu. An toàn vệ sinh thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống sôi; không ăn các loại rau sống; không ăn các loại thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn như mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh…và sử dụng nguồn nước sạch.
 
Đây là một trong biện pháp hiệu quả nhất phòng chống bệnh tiêu chảy nói riêng và các bệnh nói chung để đảm bảo sức khỏe của mỗi người, chống lại mọi bệnh dịch đang lây lan và đem lại một cuộc sống bình yên trong gia đình và xã hội.
Bài, ảnh: Đức Trung

BBT.