An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Mua sắm ở phố hàng Bắc
09:55 | 05/05/2015 Print   E-mail    

 
Phố hàng Bắc là cụm từ mà người dân địa phương quen gọi cho đoạn đường Đội Cấn (TP. Vũng Tàu). Đã hàng mấy chục năm qua, đoạn đường ngắn chỉ chưa đầy 1km này có rất nhiều gian hàng bán toàn các mặt hàng tiêu dùng và sản vật, đặc sản của các vùng miền Bắc bộ. Nhiều người dân địa phương vẫn quen đến đây mua sắm những thứ hàng Bắc mà mình thích chứ không cần phải đi đâu xa hay phải gửi ở miền Bắc vào.
Chủ các gian hàng là người Bắc và hầu hết khách hàng đến với các gian hàng Bắc ở phố Đội Cấn đều là người Bắc. Anh Nguyễn Quốc Hưng, quê ở Nam Định, hiện đang sống tại đường Huyền Trân Công Chúa – TP. Vũng Tàu, cho biết, mặc dù sống ở Vũng Tàu lâu năm nhưng anh vẫn thấy thèm những món ăn của quê hương mình. Thỉnh thoảng anh vẫn ghé các gian hàng trên phố Đội Cấn mua hàng khô về tự chế biến. Anh Hưng cho biết, đặc biệt những người dân gốc Bắc như anh chỉ thích dùng loại hương Bắc để thắp dịp rằm, giỗ chạp hoặc dịp Tết cổ truyền. Bây giờ các mặt hàng Bắc nhiều, anh dễ dàng lựa chọn và sử dụng thêm nhiều mặt hàng Bắc mà anh ưa thích. Bên cạnh những khách hàng Bắc quen thuộc thì những năm gần đây nhiều người dân miền Nam sống ở Vũng Tàu cũng thích hương vị của các loại thực phẩm miền Bắc hoặc ưa dùng các loại hàng Bắc cũng thường ghé phố Đội Cấn mua về dùng.
ĐƯA BẮC VÀO NAM
Những chiếc chiếu cói dựng xô vào nhau, những cái giành nước để quây dưới đất, các loại thực phẩm từ măng, miến, trà, gạo nếp cũng rất nhiều… Đó là điều dễ nhận ra những gian hàng mang nét đặc trưng miền Bắc trên đường Đội Cấn. Tại gian hàng Quang Thơm (số 30 đường Đội Cấn, TP. Vũng Tàu), chị Trần Thị Thơm, chủ cửa hàng đon đã mời khách bằng chất giọng quê Thái Bình đặc sệt. Gian hàng của chị không thiếu mặt hàng nào phổ biến ở miền Bắc. Nào là trà Thái Nguyên, bánh đa chủ Bắc Ninh, nếp cẩm Lạng Sơn, chiếu cói Thái Bình, bánh đa đỏ Hải Phòng, rượu Nam Định… đến các loại chăn, mùng và cả soong nồi có cả. Chị Thơm cho biết, vợ chồng chị rời quê hương Thái Bình đến Vũng Tàu lập nghiệp từ năm 1989. Ban đầu chị làm nghề bán xăng cho xe khách Bắc – Nam. Một số hãng xe quen thuộc như Hoa Lợi, Quyền, Hùng, Mến… mỗi lần từ Bắc ra lại mang theo một số hàng hoá từ tận ngoài đó vào bán cho người dân địa phương. Thấy vậy, chị Thơm cũng “đánh liều” nhờ các chuyến xe Bắc – Nam đem một ít hàng vào bán thử. “Rồi đến năm 1996, vợ chồng chị Thơm chính thức chuyển sang buôn bán các mặt hàng Bắc. Ban đầu là các loại bắp cải, xu hào, măng, miến… Rồi những người dân miền Bắc vào Vũng Tàu sinh sống ngày càng đông, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm, hàng hoá của miền Bắc trở thành thói quen và họ cứ thế tìm đến phố Đội Cấn hỏi mua. Dần dần, các mặt hàng buôn bán của chị Thơm ngày càng sôm tụ. “Cuộc sống buôn bán mưu sinh tự dạy mình biết cách làm ăn chứ có tài giỏi gì”, chị Thơm chặc lưỡi.
Bên cạnh gian hàng của chị Thơm, cô Nguyễn Thị Dung, quê ở Hải Hậu – Nam Định mặc dù đã hơn 20 năm sống ở thành phố, làm bà chủ của gian hàng Bình Dung trên phố Đội Cấn cũng gần từng đó năm nhưng trông cô Dung vẫn rất mộc mạc, giản dị không khác nào người nhà quê. Mái tóc hoa râm, gương mặt xương xương, tóc xoăn búi gọn, chân để trần, giọng nói không hề bị lai, cô Dung kể, cũng như những người buôn bán dọc phố Đội Cấn, cô rời quê hương vào Vũng Tàu sinh sống, lập nghiệp. Không có nghề trong tay, để bám víu lại với cuộc sống ở thành phố, cô vẫn phải lấy cái vốn lận lưng là nấu rượu, nuôi heo và làm chả lụa để mưu sinh. Đến năm 1995, khi thấy một số hộ gia đình người Bắc chuyển sang buôn bán các mặt hàng Bắc, cô cũng đánh liều làm nghề buôn bán. Cứ mỗi lần có chuyến xe Bắc – Nam vào là cô lại gom từng mặt hàng ở khắp các tỉnh, thành miền Bắc từ Hà Nội, Hải Phòng đến Lạng Sơn, Thanh Hoá, Bắc Giang, Bắc Ninh… Loại nào đặc trưng của tỉnh nào thì cô phải nhờ xe lấy tận nơi đó lấy về mới được. Riêng rượu đế, cô Dung dặn một số gia đình ở ngoài quê Nam Định nấu rồi gửi theo xe mang vào miền Nam bán cho khách.
ĐẬM NÉT BẮC BỘ
Người các tỉnh miền Bắc vào miền Nam sinh sống ngày càng đông, công việc buôn bán của cô Dung cũng có phần thuận lợi hơn. Vậy là diện tích 80m2 ở mặt tiền (số 32 Đội Cấn, TP. Vũng Tàu) vừa là nhà ở, vừa trở thành nơi buôn bán của cô Dung. Đến nay gian hàng Bình Dung có đến hàng trăm mặt hàng đủ các loại. Bên cạnh nét mộc mạc chân chất của cô Dung, gian hàng Bình Dung còn khiến người ta liên tưởng đến một khu phố chợ Bắc bộ thu nhỏ trong lòng thành phố biển bởi những chiếc điếu cày dựng sẵn, những cái giành mây quây tròn bên nhau, các loại chăn, chiếu cũng chất thành từng chồng cao… Các loại thực phẩm thì để riêng một góc, ai cần mua thứ gì chỉ cần nhắc tên là cô Dung biết ngay để tư vấn cho khách chọn được loại ưng ý.
Anh Trần Hồng Quang, kế bên gian hàng Bình Dung đang giúp một khách hàng nữ chọn thựa phẩm. Anh Quang cho biết, các loại giành nước đan bằng mây, bằng tre được nhiều người mua về để ủ nước cho nóng. Anh Quang cho biết thêm, ở gian hàng của anh giống như một phố chợ ở Bắc bộ, có đủ đặc sản và các mặt hàng đặc trưng của nhiều tỉnh, thành miền Bắc. Anh Quang nói: “Bây giờ việc buôn bán cũng đơn giản hơn, chỉ cần điện thoại một tiếng là các đầu mối ở miền Bắc họ đóng gói và gửi theo xe vào cho mình ngay. Nhận được hàng là chúng tôi lại chuyển khoản trả tiền cho họ. Chi phí không nhiều nên giá cả chúng tôi bán cũng rất phải chăng từ năm, mười ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng”.
Bài, ảnh: Yến Nhi
BBT.