An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Loãng xương – bệnh không của riêng ai?
09:38 | 06/05/2015 Print   E-mail    

 
Có nhiều loại bệnh về xương khác nhau nhưng căn bệnh phổ biến nhất là loãng xương. Loãng xương là một bệnh nguy hiểm đứng thứ hai sau bệnh tim mạch và cũng là bệnh dễ đe dọa đến tính mạng của người cao tuổi. Ngày nay, bệnh loãng xương đang có xu hướng gia tăng ở khắp toàn cầu, trong số đó người cao tuổi và đặc biệt là phụ nữ chiếm tỷ lệ cao nhất (cứ 3 phụ nữ cao tuổi thì có 1 người bị loãng xương).
Trong suốt cả cuộc đời con người, các tế bào xương liên tục được thay đổi (mất đi và sinh ra),khi nào sự tái tạo và mất đi không còn cân bằng, sẽ gây ra bệnh loãng xương.Loãng xương là một bệnh mãn tính kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, một cách âm thầm, không đau đớn nên nhiều người bệnh không để ý đến. Hầu hết các trường hợp trong giai đoạn đầu không có triệu chứng gì ngoài những dấu hiệu mệt mỏi, ăn uống kém, nhức xương không thường xuyên. Càng về sau sự thiếu hụt chất canxi càng tăng làm cho xương xuống cấp nghiêm trọng thì các triệu chứng đau nhức mới rõ rệt hơn. Đau nhức xương hay gặp là đau lưng, đau các khớp chân tay, và mỏi bại hông, thắt lưng đồng thời dễ dàng bị gãy xương khi bị ngã, vấp… Đau nhức xương và các khớp thường biểu hiện rõ nhất vào ban đêm, cũng có triệu chứng khác như chuột rút thường hay xuất hiện ở những người loãng xương.
Nguyên nhân gây loãng xương là tỷ trọng khoáng chất của bộ xương trong cơ thể bị suy giảm một cách đáng kể, do chế độ dinh dưỡng hàng ngày không cấp đủ chất canxi hoặc cơ thể không hấp thu được canxi, cũng có thể do từ mắc một số bệnh về tuyến thượng thận, cường giáp trạng, suy thận, bệnh yếu liệt chi, chấn thương, hoặc bệnh mãn tính phải nằm dài ngày … Đặc biệt ở phụ nữ đến thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh thì lượng hormone estrogen trong máu bị suy giảm một cách đáng kể bởi sự suy thoái của buồng trứng. Ngoài yếu tố về chế độ dinh dưỡng và nội tiết tố còn có nhiều yếu tố khác làm cho bệnh loãng xương ở người cao tuổi tăng lên nếu như trên cơ thể người đó có tiền sử bị còi xương lúc còn nhỏ hoặc hàng ngày ít vận động, béo phì.
Để phát hiện,phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương được kịp thời,người cao tuổi nên đi khám bệnh định kỳ về xương khớp để đánh giá mật độ của xương và tình trạng xương. Hiện nay chưa có phương pháp đo lường trực tiếp lực của xương nên chỉ đo lường gián tiếp. Một trong những phương pháp đó là đo mật độ chất khoáng trong xương hay còn gọi là đo mật độ xương, chụp X quang cột sống, xương tay chân… Ngoài ra, những người kém phát triển chiều cao, cân nặng dưới 40kg, giảm trọng lượng nhanh, cơ bắp yếu, thiếu hormone sinh dục, người nghiện rượu, sử dụng corticoides kéo dài, nghiện thuốc lá… cũng nên thường xuyên kiểm tra mật độ của xương. 
                                                Tập dưỡng sinh hàng ngày để phòng ngừa loãng xương
 
Ngoài ra muốn phòng bệnh loãng xương, tốt nhất là ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn giàu canxi, protein, vitamin D như: tôm, cua, ốc, uống sữa …Nguồn cung cấp canxi bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa. Trong khi đó, hàm lượng vitamin D được hấp thụ chủ yếu thông qua da khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời do vậy ta cần tắm nắng hàng ngày.Nên ăn thêm trái cây, rau, giá đỗ vì chúng có khả năng làm thay đổi sự chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương và làm tăng khoáng chất cho xương. Cần tập thể dục nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mỗi ngày đều đặn như: tập dưỡng sinh, đi bộ, đi xe đạp, tắm biển … tập hít thở, tập vận động các khớp xương. Không nên hút thuốc vì khói thuốc lá có một thành phần làm giảm quá trình tạo xương và chất nicotin trong thuốc lá gây độc cho tế bào xương. Ngoài ra hút thuốc còn làm giảm hấp thu canxi và làm giảm nồng độ vitamin D trong máu. Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng tốc độ mất xương, giảm canxi dự trữ, giảm sự sản xuất vitamin D, giảm kích thích tố testosterone và estrogen đưa tới kém hấp thụ canxi. Người say rượu cũng tăng rủi ro té ngã làm gãy xương.Người cao tuổi đã bị loãng xương phải hết sức cẩn thận khi làm các động tác mạnh, đi lại cũng phải tránh bị ngã, vấp, khuỵ, gập chân, tay, nhất là khi lên cầu thang. Mỗikhi đã được chẩn đoán bị bệnh loãng xương thì việc điều trị đòi hỏi phải kiên trì. Uống thuốc gì, liều lượng bao nhiêu và trong thời gian nào là do thầy thuốc khám và cho chỉ định cụ thể trong việc dùng thuốc.
Loãng xương là bệnh rất phổ biến và khó chữa, đồng thời cũng không phải là của riêng ai, bởi vậy mọi người cần phải phòng ngừa và chữa trị chu đáo, hiệu quả ngay từ đầu để ngăn ngừa gãy xương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và cho cả cộng đồng.
 
                                                                                                                Bài, ảnh: Trọng Chu
BBT.