An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Ký ức những ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975
11:01 | 31/03/2015 Print   E-mail    

 

Là những Cựu chiến binh, chúng tôi thật vinh dự được đem tuổi thanh xuân của mình cống hiến cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm nhưng ký ức về những ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sửnăm 1975 vẫn đọng lại trong trí nhớ của chúng tôi – những người trực tiếp tham gia chiến đấu.

 
Mô tả: Mô tả: G:\DCIM\107_PANA\P1070463.JPG
Đồng đội cùng tham gia chiến dịch
 
Chúng tôi nhớ, ngày 1/4/1975 chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu, được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" với tốc độ "một ngày bằng 20 năm". Để thực hiện quyết tâm đó, Bộ Chinh trị đã quyết định một loạt vấn đề lớn, nhằm đảm bảo cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng toàn thắng. Trong đó có quyết định lấy tên chiến dịch đánh vào Sài Gòn là "Chiến dịch Hồ Chí Minh". Cả dân tộc từ Bắc chí Nam cùng nhau hành quân, hậu phương lớn đang dốc toàn lực ra tiền tuyến. Các Binh đoàn quân chủ lực được phân công đảm nhận từng hướng tấn công chiến lược cụ thể, tất cả đều hướng về Sài Gòn, vào dinh Độc Lập (phủ Tổng thống của chính quyền Ngụy).
 
Đơn vị chúng tôi tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 được phân công đánh hướng phía Đông, thọc sâu, đánh thẳng từ thị xã Hàm Tân vào. Sau 2 giờ “thần tốc, táo bạo và xốc tới”, đơn vị đã làm chủ hoàn toàn thị xã. Đêm 21-4-1975 đánh cầu Bình Tuy, đêm 22-4, tiếp tục hành quân, đến đồn điền cao su Ông Quế, cách Sài Gòn 60km. Bao quanh căn cứ là các hào sâu, bãi mìn chống tăng, có máy bay ném bom yểm trợ. Tổng kho Long Bình có Bộ Tư lệnh Dã chiến II Mỹ, Bộ Tư lệnh Hậu cần của Mỹ; đồng thời là nơi chứa những kho bom, đạn lớn của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến giằng co, quyết liệt ở đây khiến quân ta tổn thất khá lớn, mỗi bước tiến lên đều đẫm máu của các chiến sĩ đơn vị. Đến trưa 28-4 quân ta hoàn toàn làm chủ căn cứ Nước Trong và tổng kho Long Bình, đã “mở đường máu” để tiến vào Sài Gòn.4h sáng ngày 30-4, sau trận đấu súng, ta đã vượt qua ngã tư Thủ Đức và 6h sáng thì đến cầu Rạch Chiếc. Trong tình huống khó khăn đó, lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại văng vẳng bên tai: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
 
Trận chiến tại cầu Rạch Chiếc được xem là một trong những trận đánh ác liệt cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo bàn đạp cho cánh quân phía Đông của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. 10 giờ 45 phút ngày 30-4, các đơn vị của Quân đoàn 2, bằng xe tăng và pháo binh, tiến thẳng vào "Dinh Độc Lập", bắt sống toàn bộ chính quyền trung ương Sài Gòn, buộc tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.11h 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với tư tưởng "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", trong chiến dịch này quân và dân ta đã huy động một lực lượng lớn hơn bất cứ chiến dịch nào trước đây. Kết qua sau 55 ngày đêm tiến công, quân và dân ta đã quét sạch toàn bộ chế độ thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ, đập tan Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, giành lại độc lập hoàn toàn cho đất nước.
 
Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân, toàn quân ta, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhớ lại những ngày tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, những CCB chúng tôi càng thấy tự hào về chiến công vẻ vang của dân tộc, càng thấy vinh dự khi mình là một chiến sĩ được trực tiếp tham gia trong chiến dịch lịch sử này./
 
Bài, ảnh: Trọng Chu
BBT.