An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Buồn – vui công việc của gia sư
09:28 | 02/04/2015 Print   E-mail    

Gia sư trẻ hiện nay chủ yếu là các bạn sinh viên, tầng lớp tri thức trẻ đến từ trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Gia sư cũng là một nghề được nhiều bạn sinh viên chọn làm vừa để có thêm thu nhập vừa để tự khẳng định mình, sử dụng một cách hợp lý những kiến thức mà mình đã học.

 Gia sư là nghề được nhiều bạn trẻ lựa chọn

Mặc dù có thể thu nhập của các gia sư trẻ không cao bằng các việc làm thêm khác nhưng nhiều bạn vẫn thích chọn công việc này. Bạn Trần Thị Thu Hiền, sinh viên trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu tâm sự: “Bố mình là nhà giáo nên từ nhỏ mình đã có ước mơ được nối nghiệp cha. Mặc dù chưa ra trường nhưng mình vẫn thường đi dạy thêm để có kinh nghiệm, mai này khi bước lên bục giảng mình sẽ tự tin hơn”. Không chỉ có Hiền mà hầu hết các bạn sinh viên đều mong muốn được thử sức mình. “Dù chỉ là uốn nắn cho các em từng nét chữ cũng là hạnh phúc rồi chứ chưa nói gì được dạy đúng môn mình học…”, bạn Hồng Nhung-sinh viên trường Cao đẳng sư phạm tâm sự. Không chỉ có các bạn sinh viên trường sư phạm mà nhiều bạn sinh viên ở các trường khác cũng thích được làm gia sư. Bạn Duy Quang kể lại: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy nên nhiều em học sinh dù vẫn biết tôi là sinh viên nhưng vẫn tặng hoa trong ngày 20-11. Dù mai này tôi không là thầy giáo, tôi cũng sẽ nhớ khi tôi làm gia sư như thế này…”.
 
Nhiều bạn suốt những năm học đại học, cao đẳng, năm nào cũng “nếm mùi” gia sư. Hạnh phúc thì rất nhiều nhưng cũng có đôi khi chính các gia sư trẻ cũng lâm vào hoàn cảnh thật khó xử. Nhưng có lẽ khi “thử vào nghề” rồi thì không còn ai muốn bỏ cuộc. Bạn Trần Tâm kể lại: “Mình đang dạy kèm môn Anh cho một em học sinh nữ lớp 9. Nhưng học sinh lại thích mình khi nào không hay. Mặc dù mình đã hết lời khuyên nhưng em vẫn giận dỗi và tránh gặp mặt mình mấy lần. Nhưng cuối cùng mình cũng tìm được cách để em bình tâm trở lại và học càng ngày càng tiến bộ hơn”. Không chỉ rơi vào những tình huống khó xử như Tâm, một số bạn sinh viên khác cũng gặp phải những chuyện “dở khóc, dở cuời”. Bạn Lê Thị Hoài, trường trung cấp nghề nghiệp vụ Du Lịch tâm sự: “Có một vài lần mình phải khóc vì những trò đùa ta hại của bọn trẻ… Nhưng chưa bao giờ mình nghĩ sẽ bỏ cuộc vì mình rất thích đi dạy, mình thích được là người truyền thụ kiến thức cho các em”.
 
Trong khi nghành giáo dục đang có chương trình cải cách giáo dục nên những bài giảng cũng phải khác đi, các gia sư trẻ phải soạn giáo án, phải nghiên cứu thật kỹ càng phương pháp logic thì mới dạy cho các em hiểu được. Chính vì thế có nhiều bạn đã phải thức trắng đêm mỗi khi mùa thi đến, vừa phải lo chuyện bài vở trên lớp, vừa phải soạn giáo án cho các em. Thế nhưng nhiều bậc phụ huynh học sinh vẫn thường phàn nàn về những gia sư trẻ khiến nhiều bạn phải buồn lòng. Dạy kèm tại nhà là một công việc gian truân, vất vả và cũng không thiếu những nỗi buồn giấu sau những trang giáo án, những câu nói không mấy dễ nghe của các phụ huynh, các trò quậy phá của cậu ấm cô chiêu. Tuy nhiên những người tri thức trẻ không dễ gì từ bỏ được giấc mơ của mình, họ vẫn quyết tâm trở thành thầy cô giáo, vẫn mong mỏi được làm gia sư. Dù còn nhiều gian nan vất vả nhưng gia sư trẻ vẫn là những người đã âm thầm tiếp sức cho sự nghiệp trồng người.
 
Nhiều bạn cho rằng nghề gia sư tìm được việc đã khó nhưng bám trụ lâu dài với nghề lại càng khó hơn.Để gắn bó với nghề gia sư lâu dài, các sinh viên nên trang bị cho mình kiến thức đầy đủ, nên dạy những môn đúng chuyên ngành của mình để tránh trường hợp bị chê, bị từ chối dạy tiếp. Quan trọng hơn là nên chọn cho mình địa chỉ trung tâm gia sư, trung tâm giới thiệu việc làm uy tín  để nhận lớp tránh lừa đảo, mất tiền, mất thời gian, nếu có thể thì nhờ bạn bè, người quen giới thiệu để đảm bảo sự tin cậy. Trong quá trình giảng dạy, các bạn nên có phương pháp truyền đạt dễ hiểu, sáng tạo, không ngừng động viên để học sinh có hứng thú tiếp nhận kiến thức và phải tích cực trao đổi phương pháp với phụ huynh để học sinh nhanh tiến bộ.Hơn thế, bản thân người đi dạy thêm cũng phải nắm bắt được tâm lý của học sinh mà mình dạy để có những phương pháp phù hợp nhất, đem lại hiệu quả cao.
 
Bài, ảnh: YẾN NHI
BBT.