An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Thanh niên Việt Nam cần tích cực xây dựng đời sống văn hóa
04:05 | 20/03/2015 Print   E-mail    

 

Chào mừng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3
 
Thanh niên Việt Nam cần tích cực xây dựng đời sống văn hóa
--------------
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “…Thanh niên là rường cột nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên…” Điều đó khẳng định vai trò của thanh niên là vô cùng to lớn và bao trùm rất nhiều lĩnh vực. Trong những năm qua, thanh niên Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình trong việc chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xung kích trên mọi mặt trận đặc biệt là mặt trận văn hóa tư tưởng, xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng. Trong giai đoạn hiện nay-khi đất nước ta đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa với nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức thì hơn lúc nào hết thanh niên Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc xây dựng đời sống văn hóa cho bản thân, gia đình và toàn xã hội.
 
Trong mối quan hệ giữa con người với con người hay con người với thiên nhiên thì thanh niên vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng bản sắc văn hóa nói chung và xây dựng nếp sống văn hóa nói riêng. Hơn nữa thanh niên vốn là lực lượng tiên phong trong các hoạt động, trong đó có các hoạt động văn hóa – xã hội của cộng đồng. Chính vì tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa – xã hội nên họ là tác nhân trực tiếp tác động tiêu cực hoặc tích cực đến bản sắc văn hóa mà trong bài viết này ta có thể hiểu là nếp sống văn hóa.Năm 2014, thanh niên Việt Nam đã thực hiện tốt “Năm Dân vận khéo 2014” và sơ kết 5 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009-2014. Các mô hình này đã góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng tốt đời sống văn hóa cộng đồng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội của đất nước. Đồng thời nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân vận đối với đoàn viên thanh niên, góp phần giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội, tạo được niềm tin trong nhân dân.
 
Thanh niên xây dựng văn hóa cộng đồng (hình minh họa).
 
Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi chúng ta đang tiến hành hội nhập để phát triển kinh tế – văn hóa, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta phải chấp nhận sự hòa nhập, giao thoa văn hóa. Cùng với đó là thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, các phương tiện thông tin ngày càng phong phú, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ internet. Tất cả sự thay đổi trên đã tác động rất lớn đến bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh những tác động tích cực thì hiện nay những luồng văn hóa ngoại lai đang xâm nhập vào trong xã hội Việt Nam, nó đã và đang tác động đến nền văn hóa truyền thống đã tồn tại hàng ngàn năm. Đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất chính là thanh niên, bởi họ là những người trẻ tuổi, năng động và rất nhạy bén trong việc tiếp thu các loại hình văn hóa. Thanh niên là đối tượng dễ tiếp thu văn hóa từ đó dễ thay đổi nếp sống văn hóa đã có sẵn, vì vậy có thể nói thanh niên cần tích cực hơn nữa trong việc giữ gìn và xây dựng nếp sống văn hóa.
 
Không chỉ là các hoạt động văn hóa – xã hội tại cộng đồng mà trong gia đình, thanh niên Việt Nam cũng phải tích cực xây dựng nếp sống văn hóa gia đình - một trong những yếu tố quan trọng của nếp sống văn hóa đang bị thay đổi mạnh mẽ hiện nay. Quả thật, kết cấu gia đình của người Việt Nam xưa và nay đã có những khác biệt. Nguyên nhân chính là do sự thay đổi của tình hình xã hội cộng với sự “lai căng” của văn hóa phương tây tức là coi trọng chủ nghĩa cá nhân, nhân quyền dẫn đến sự tự do tới mức quá thái. Vì vậy mà kiểu gia đình “tam đại đồng đường” hay “tứ đại đồng đường” thường xuất hiện nhiều trong xã hội xưa thì nay trở nên hiếm thấy, hậu quả là nhiều bậc con cháu để mặc cha mẹ mình phải sống trong cảnh cô đơn không nơi nương tựa. Thêm nữa, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng khác xưa, những tôn ty, trật tự trong gia phong truyền thống xưa đã phần nào bị sáo trộn, tình trạng xưng hô “bằng vai phải lứa”, con không nghe lời cha mẹ, ông bà đã bắt đầu xuất hiện. Ngoài ra, cách nói năng, ăn mặc, đi đứng của một bộ phận thanh niên hiện nay cũng đang đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục, ngược lại với nét văn hóa của dân tộc. Đây là biểu hiện rõ nhất của sự xuống cấp nếp sống văn hóa. Hơn nữa nó là nhãn quan trực tiếp để người ta đánh giá sự thay đổi trong nếp sống văn hóa hiện nay bởi nó diễn ra hằng ngày, hằng giờ tại bất kỳ đâu. Những dẫn chứng xác thực nêu trên để khẳng định một điều: với vị trí là tầng lớp kế thừa, phát huy, thanh niên thời nay có vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn và xây dựng nếp sống văn hóa.
 
Thanh niên Việt Nam hăng hái bảo vệ môi trường (Hình minh họa)
 
Xác định vai trò là vậy, nhưng làm thế nào để thực hiện vai trò đó là điều không phải ai cũng biết để thực hiện. Trước tiên thanh niên Việt Nam phải có nhận thức sâu sắc, đúng đắn về vai trò của mình trong việc xây dựng nếp sống văn hóa. Muốn vậy cần phải học tập, rèn luyện đạo đức, tạo cho mình một lập trường, tư tưởng vững vàng, đồng thời có lối sống trong sạch, lành mạnh. Đặc biệt là trong việc tiếp thu văn hóa: cần giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp đã được xã hội thừa nhận, đó là nề nếp gia phong, ý thức về lối sống, cách ứng xử, xã giao, quan hệ gia đình… Trong việc giao lưu với các nền văn hóa trên thế giới cần dựa trên cơ sở hòa nhập chứ không hòa đồng và phải tiếp thu có chọn lọc. Xu thế hội nhập là tất yếu, nó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Tuy nhiên bên cạnh nhưng mặt tích cực của quá trình hội nhập thì luôn tiềm ẩn những mặt tiêu cực đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo và cảnh giác, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt hiện nay, các thế lực thù địch đang dùng nhiều thủ đoạn nhằm chống phá cách mạng, chia rẽ dân tộc và một trong những thủ đoạn đó là chúng lợi dụng sự giao lưu văn hóa để tuyên truyền xuyên tạc. Vì vậy chúng ta phải càng thận trọng và cảnh giác để không bị mắc mưu của kẻ thù.
 
Mỗi đoàn viên thanh niên thực hiện nếp sống văn hóa phải bắt đầu từ bản thân, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội và phải thực hiện từ những việc đơn giản nhất. Mỗi thanh niên Việt Nam cần phải có một lối sống lành mạnh, sống có lý tưởng, luôn rèn luyện, trau dồi đạo đức để trở thành người sống có ích cho xã hội./.
 
Bài: Lê Ngân
BBT.