An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
Cây Bông Sứ - vẻ đẹp cổ kính và đa dụng
10:59 | 18/03/2015 Print   E-mail    

 

Sống ở thành phố Vủng Tàu, đi lại trên các tuyến đường chính ven biển như Trần Phú, Quang Trung, Hạ Long, Thùy Vân … bên cạnh đường và trong khuôn viên của các ngôi chùa cổ: Thích ca Phật đài, Từ Quang, Quan âm Nam Hải, Niết Bàn Tịnh Xá, đình thần Trần Hưng Đạo …, ngay cả trong khuôn viên của khu di tích lịch sử Bạch Dinh, hay có dịp dạo mát tại công viên Bãi Trước, công viên Trần Hưng Đạo … chúng ta đều thấy rực rỡ hoa màu trắng, màu hồng của những cây Sứ đua nhau nở rộ và tỏa ngát mùi hương thơm mát.

Cây Sứ ( ngoài Bắc thường gọi cây Đại)là loài cây cho hoa đẹp và thơm, nên đã được trồng nhiều để làm cảnh và lấy hương thơm, sứ thường được trồng ở các chùa chiền, đền đài, miếu mạo… và dùng hoa của nó để thờ cúng.Nhiều công trình cổ, các khu di tích văn hóa, lịch sử cũngcó nhiều cây Sứ cổ thụ đang được bảo tồn, và trân trọng gìn giữ. Bởi hình ảnh cây Sứ sần sùi, cành nhánh khúc khuỷu, vỏ thân cây nhuốm đầy rêu phong, cành lá, nụ hoa chằng chịt chen vai,tồn tại hài hòa bên một công trình kiến trúc đường nét cổ, đã khiến cho cảnh vật trở nên độc đáo, uy nghiêm, trang trọng, toát lên một vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng cho công trình.Sứ là loài cây chịu nắng, nên rất phù hợp với thời tiết của vùng đất Vũng Tàu nói riêng và miền Nam nói chung.Gần đây trên một số tuyến đường mới mở, trong khuôn viên một số công sở, cơ quan, khách sạn … cũng trồng nhiều cây bông Sứ để làm cảnh, trang trí, cho bóng mát cây xanh và tận hưởng mùi hương thơm mát.
 
Sứ được trồng trong khuôn viên khách sạn
 
Hiện tại ở thành phố Vũng Tàu có 2 loài Sứ được trồng nhiều nhấtđó là loài Sứ trắng vàSứ đỏ. Trong số đó, có 4 dạng khác nhau: - dạng hoa trắng tâm vàng, đôi khi phớt hồng - dạng hoa vàng phớt hồng,- dạng hoađỏ, tâm vàng và - dạng hoa trắng bìa hồng, tâm vàng. Hoa sứ thường có dạng hình phễu nhỏ, xoè 5 cánh to như loa kèn bên ngoài,tuy nhiên khi đột biến có thể nở ra đến 6-7 cánh trông rất lạ, và đẹp mắt. Cây bông sứ không những trồng để làm cảnh và lấy hương thơm, bóng mát, ngoài ra trong y học cổ truyền cho biết, các bộ phận của cây hoa Sứ như vỏ của thân cây, vỏ của rễ, hoa, nụ hoa, lá tươi và nhựa cây đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Toàn thân cây hoa sứ đều có chứa chất kháng sinh thực vật, có tác dụng ức chế sự tăng sinh và phát triển của một số vi khuẩn. Bộ phận được sử dụng nhiều nhất trong các bài thuốc là hoa sứ, còn ở các bộ phận khác của cây cũng có những công dụng khác nhau.Chẳng hạn như trong vỏ thân và rễ cây có vị đắng, tính mát, được dân gian sử dụng để làm thuốc tẩy xổ, nhuận tràng, chữa táo bón. Lá cây sứ chữa bong gân, sai khớp, mụn nhọt. Nhựa cây cũng dùng để tẩy xổ, nhưng liều thấp hơn so với vỏ thânvà rễ cây. Còn hoa thì có công dụng tiêu đờm, trừ ho, hạ áp. Trong dân gian thường sử dụng hoa sứ phơi khô để làm thuốc chữa ho, kiết lỵ, tăng huyết áp ... hoa khô có tác dụng mạnh hơn hoa tươi. Cần lưu ý những người cơ thể suy nhược, già yếu, phụ nữ có thai, người bị tiêu chảy không nên dùng vỏ thân, vỏ rễ và mủ cây sứ vì nó có tác dụng tẩy xổ mạnh và có một ít độc tố.
 
Mô tả: H:\DCIM\108_PANA\P1080783.JPG
Bông Sứ trắng tâm vàng dùng làm thuốc
 
Dưới đây là một số bài thuốc hay có dùng đến hoa sứ (chú ý chỉ dùng loại hoa Sứ cánh trắng, tâm vàng): - Nếu bị ho do thời tiết thì dùng 12 gr hoa sứ khô sắc lấy nước, uống thay trà trong ngày.- Với người có huyết áp cao, hằng ngày sử dụng từ 12 - 20 gr hoa sứ (đã phơi khô), đem sắc lấy nước uống thay trà trong ngày.- Nếu bị bong gân thì dùng một ít lá sứ tươi rửa sạch, giã nhuyễn, trộn với một ít muối ăn đắp lên chỗ bị sưng, bong. Và dùng một ít lá tươi hơ trên lửa cho héo rồi đắp phía bên ngoài, sau đó lấy băng để băng giữ lại,ngày đắp vài lần như vậy, làm trong vài ngày.- Nếu bị mụn nhọt thì dùng lá sứ tươi giã nhuyễn đắp lên.- Đau ở chân răng có sưng, thì dùng bộ phận vỏ của rễ sứ đem ngâm rượu (vài ngày), lấy rượu này ngậm sẽ khỏi (chú ý là không được nuốt).Hiện nay có một số người thường đi nhặt hoa sứ về phơi khô đem bán cho thương lái, vì ở Đài Loan, Hồng Kông người ta kết hợp hoa sứ với một số loài hoa khác để làm bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp.
 
Cây Bông Sứ quả thực là một loài cây có vẻ đẹp cổ kính và rất đa dụng. Bởi vậy nó đang được bảo tồn và phát triển rộng rãi. Ngoài giá trị về trang trí làm đẹp cho không gian sống, nó còn đem lại cho con người một cảm giác thư thái, mát mẻ, tự tin và ấm áp về mặt tâm linh mỗi khi bước vào khoảng không gian đầy màu trắng, màu hồng và thoảng hương thơm mát của những cây bông Sứ.
                                                                                   
Bài, ảnh: Trọng Chu
BBT.