An sinh - Xã hội An sinh - Xã hội
“Mâm ngũ quả” - Nét văn hóa truyền thống đáng trân trọng
07:41 | 08/02/2015 Print   E-mail    

Chưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong ngày Tết Nguyên Đán là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Vậy nên lúc còn nhỏ ở nhà cứ vào những ngày 29, 30 Tết tôi thấy bố mẹ đều sắm mâm ngũ quả. Lớn lên khi xa quê hương miền Bắc vào sống ở miền Nam mỗi dịp tết đến tôi vẫn thấy bà con lối xóm, kể cả gia đình tôi, nhà nào cũng có mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ.
 
Mâm ngũ quả là một mâm trái cây có năm thứ quả khác nhau nhưng thật ra người ta không quy định chính xác là những loại trái cây cụ thể nào, mà tùy từng gia đình,  địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả khác nhau để bày lên mâm ngũ quả. Các loại trái cây bày lên thể hiện nguyện ước của gia đình qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng.
 
Mâm ngũ quả của người miền Bắc (ảnh minh họa)
 
Chẳng hạn như mâm ngũ quả của người miền Bắc, thường bày năm loại quả có nămmàu sắc khác nhau theo ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên.Nên mâm ngũ quả thường cónăm sắc màu: Trắng, Xanh, Đen, Đỏ, Vàng để phối trí. Chẳng hạn: chuối, táo màu xanh (là Mộc); bưởi, phật thủ, cam, quýt màu vàng (là Thổ); hồng, táo tây, ớt màu đỏ (là Hỏa); roi, mận, đào hoặc lê màu trắng (là Kim); hồng xiêm, nho đen, măng cụt, mận màu đen (là Thủy). Mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định.Tuy nhiên, dù là loại quả gì, mâm ngũ quả vẫn mang một ý nghĩa chung: dâng lên cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành cho gia đình trong năm mới.
 
Ở miền Nam, người ta lại quan tâm đến tên gọi các loại trái cây trong mâm ngũ quả để sao cho khi ghép lại trở thành những câu có ý nghĩa: cầu mong sự may mắn, thịnh vượng. Như các loại trái mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dưa hấu, thơm… đọc chệch thành các câu: "cầu vừa đủ xài" hoặc "cầu vừa đủ sung" v.v…
 
Mâm ngũ quả của người miền Nam (ảnh minh họa)
 
Nếu như ở miền Bắc, mâm ngũ quả hầu như có tất cả các loại quả mà gia đình sẵn có hoặc gặp mua về, miễn sao trông đẹp mắt, đủ màu và dễ bày biện; thì người miền Nam trong mâm ngũ quả lại kiêng kỵ bày một số trái cây như: không bao giờ có quả chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó, đi xuống. Quả cam cũng không được có mặt trong mâm ngũ quả cùng với quả quýt vì có câu “quýt làm cam chịu” hay “cam làm quýt chịu” hoặc như trái lê đồng nghĩa với lê lết, tai ương v.v…
 
Do trái cây ngày càng đa dạng nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn và người ta cũng không câu kệ cứng nhắcngũ quả là cứ phải năm loại quả nữa mà có thể là nhiều hơn như bát, cửu, thập loại quả. Dù bày biện nhiều loại trái cây hơn nhưng người ta vẫn gọi đó là “mâm ngũ quả”. Chính vì vậy dù sinh sống ở phương trời nào, người dân Việt vẫn không quên tục lệ này trong dịp Tết Nguyên Đán, nhằm gìn giữ bản sắc dân tộc cho bản thân và cho con cháu đồng thời coi đây cũng là nếp văn hóa tâm linh của người Việt Nam chúng ta.
 
Mỗi gia đình người Việt Nam nên trân trọng giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa đó như giữ gìn một phần truyền thống lịch sử phát triển vẻ vang của dân tộc.
                                                                                  
Bài: Trọng Chu
BBT